Những người ăn ngoài có mức hóa chất độc hại phthalate cao hơn những người dùng bữa được chuẩn bị tại nhà, theo hãng tin UPI.
AFP
Các chuyên gia thuộc Đại học George Washington và Đại học California (Mỹ) đã xem xét dữ liệu 10.253 đối tượng từ 6 tuổi trở lên trong cuộc Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Mỹ từ năm 2005-2014.
Tiến sĩ Ami Zota và các cộng sự đã hỏi những người này ăn gì và thức ăn đó đến từ đâu trong 24 giờ trước khi phỏng vấn. Khoảng 61% đối tượng nghiên cứu cho biết họ đã ăn ngoài vào ngày trước đó.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã phân tích mẫu nước tiểu của các đối tượng trên. Họ nhận thấy mức hóa chất độc hại gia tăng đáng kể đối với mọi cấp độ tuổi trong số những người đi ăn ngoài, nhưng cao hơn đến 55% trong số những thiếu niên tự nhận ăn nhà hàng thường xuyên hơn.
Một số loại đồ ăn, bao gồm bánh mì kẹp thịt phó mát và các loại bánh sandwich khác, có mức phthalate cao hơn 30% nếu chúng được mua tại một cửa hàng thức ăn nhanh, nhà hàng hay quán ăn tự phục vụ.
Thực phẩm của quán ăn tự phục vụ có liên quan đến mức gia tăng 15% ở trẻ em và 64% ở người trưởng thành.
“Cuộc nghiên cứu này cho thấy đồ ăn được chuẩn bị ở nhà ít có nguy cơ chứa chất phthalate ở mức cao. Phát hiện của chúng tôi có thể là một nguồn phơi nhiễm phthalate quan trọng nhưng không được nhìn nhận đầy đủ đối với dân chúng”, tiến sĩ Zota nói.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Environment International.
Quyên Quân/TNO
Bình luận (0)