Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn ăn dặm là giúp trẻ có sức khỏe tốt |
Tại hội thảo “Dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm” do Báo Giáo Dục TP.HCM – chuyên đề Mẹ & Con tổ chức mới đây, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi ăn dặm cho biết là đã cho con ăn rất nhiều chất bổ nhưng bé vẫn suy dinh dưỡng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Gần 34% trẻ em bị suy dinh dưỡng
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 21,2% (khoảng 1,6 triệu em), trẻ SDD thấp còi là 33,9% (khoảng 2,6 triệu em). Trong đó có nhiều em bị SDD ở độ 2, độ 3, nhất là SDD thấp còi độ 2 – 14,7%…”.
Cũng cần phải nhấn mạnh là trẻ trong độ tuổi ăn dặm 6 – 24 tháng tuổi bị SDD khá nhiều. Nghiên cứu trên 390 trẻ dưới 5 tuổi cho thấy, từ 6 – 12 tháng bị SDD là 57%, từ 12 – 24 tháng là 66,9%.
Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Hoa nhấn mạnh: “Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, các bậc phụ huynh thường mắc những sai lầm như chỉ cho trẻ ăn nước hầm xương, thịt và rau. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu đạm, vitamin A, D, E, K, kẽm, sắt… Trong khẩu phần ăn của trẻ thường không cân đối giữa các chất dinh dưỡng. Phụ huynh có xu hướng cho trẻ ăn nhiều đạm (thịt, cá, tôm, cua) dẫn đến tình trạng trẻ lâu tiêu; thiếu rau dẫn đến trẻ bị táo bón; thiếu dầu dẫn đến thiếu năng lượng, thiếu vitamin A, D, E, K. Cũng có không ít phụ huynh chỉ nấu thức ăn 1 lần/ngày nên thức ăn dễ bị mất vitamin nhóm B và C. Việc say nhuyễn thức ăn cũng làm mất vitamin. Các vitamin cũng mất đi trong quá trình sơ chế, ngâm rửa và đun nấu. Với thịt, cá, hải sản đã sơ chế hoặc còn sống, hàm lượng chất dinh dưỡng và vitamin mất đi khá nhiều”.
Nhiều phụ huynh cho rằng nên đợi trẻ lớn lên rồi cho ăn cơm với gia đình, bỏ qua giai đoạn ăn dặm. Song, ý kiến này đã bị các bác sĩ dinh dưỡng ngăn lại. Vì: “Khi đến giai đoạn 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng dần, trong khi đó sữa mẹ đã tăng đến mức tối đa, nếu không cho trẻ ăn dặm sẽ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng (đạm, sắt, kẽm, năng lượng). Mặt khác, hệ tiêu hóa của trẻ cũng đã phát triển thích hợp với thức ăn ngoài sữa, thận bài tiết tốt hơn và bắt đầu mọc răng để nhai. Việc cho trẻ ăn dặm là chuẩn bị cho sự hòa nhập của trẻ với gia đình và xã hội”, bác sĩ Đạo Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nói…
Nguyên tắc “vàng” cho trẻ ăn dặm
Bác sĩ Nguyễn Diễm Hà – Khoa Nhi Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Sai lầm trong cách cho ăn dặm như ép ăn, chế biến thức ăn đơn điệu dễ dẫn đến việc biếng ăn ở trẻ. Biếng ăn là nguyên nhân gây nên tình trạng gầy ốm, chậm tăng cân so với lứa tuổi”.
Theo bác sĩ Yến Thủy thì: “Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm là tôn trọng tâm lý ăn uống của trẻ, cho ăn từ ít đến nhiều, từ thức ăn loãng đến đặc. Thời gian đầu chỉ cho ăn một nhóm thức ăn là tinh bột, sau đó mới thêm các nhóm thức ăn khác (rau, thịt, cá…). Phải có ăn cả xác – xác thịt, xác cá, xác rau vì chất dinh dưỡng nằm ở xác nhiều hơn ở nước…”.
Những ngày đầu khi trẻ mới tập ăn dặm nên cho ăn khi trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng. Chỉ cho ăn 1 bữa/ngày, mỗi bữa nên ăn từ 1 – 3 muỗng nhỏ. Thức ăn đầu tiên là bột sữa vị ngọt, trái cây chín mềm, khoai lang tán trộn sữa, bí đỏ tán nhuyễn trộn sữa, đậu hũ nước đường… Sau ăn phải cho bú thêm.
Khi bé không chịu ăn, thậm chí là khóc, chống cự lại thì đổi loại thức ăn khác. Nếu vẫn không chịu ăn thì tạm ngưng 3 – 4 ngày, không nên cưỡng ép trẻ.
Bác sĩ Hoa cũng cho biết, giai đoạn ăn dặm là giai đoạn trẻ tập ăn thức ăn mới, tạo nền tảng sức khỏe và thói quen ăn uống sau này của trẻ. Giai đoạn ăn dặm cũng là giai đoạn dễ bị SDD và thiếu vi chất dinh dưỡng. Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn ăn dặm là rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ.
Bài & ảnh: Minh Anh
Bình luận (0)