Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn nhiều rau tốt cho xương

Tạp Chí Giáo Dục

Công trình nghiên cứu hợp tác giữa Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Australia) và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM công bố trên tạp chí Loãng xương quốc tế (Osteoporosis Internationnal) vào tuần trước khẳng định: Chế độ ăn uống nhiều rau quả rất tốt cho xương.
Ăn chay, ăn mặn: Xương khỏe như nhau
Công trình nghiên cứu được GS Nguyễn Văn Tuấn và BS Hồ Phạm Thục Lan thực hiện. Khi so sánh sức khoẻ của xương giữa một nhóm gồm 105 nữ tu sĩ Phật giáo hiện đang tu tại 20 chùa ở TPHCM và 105 người ăn mặn có cùng độ tuổi sinh sống tại TPHCM, các chuyên gia đã đưa ra một kết quả ngạc nhiên: Người ăn chay có mật độ xương như người ăn mặn.
BS Thục Lan cho biết: Sở dĩ công trình nghiên cứu chỉ lựa chọn các tu sĩ ở Việt Nam, chứ không thêm ở phương Tây vì các tu sĩ ở trong nước có chế độ ăn chay thuần tuý trong một thời gian rất dài. Còn các tu sĩ ở các nước phương Tây trong chế độ ăn chay có sử dụng cả trứng, hoặc hải sản. Vì vậy, kết quả sẽ không chính xác.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, với một người bình thường, lượng canxi cần thiết cho cơ thể là 1.000mg/ngày. Nhưng lượng canxi mà các tu sĩ trong nhóm nghiên cứu chỉ dung nạp khoảng 370mg/ngày. Đồng thời, lượng đạm các tu sĩ ăn cũng ít hơn người bình thường, chỉ khoảng 35g mỗi ngày trong khi người bình thường là 65g.
Cũng theo GS Tuấn, sức khoẻ xương ở người ăn chay, nhất là người ăn chay thuần tuý như tu sĩ Phật giáo từng là mối quan tâm của giới y khoa thế giới. Bởi vì họ ăn ít lượng đạm và canxi so với cộng đồng người ăn mặn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù các tu sĩ ăn chay có lượng đạm và can xi thấp, nhưng mật độ xương trong cơ thể họ hoàn toàn chẳng khác gì so với người ăn thực phẩm nhiều chất đạm động vật.
Mặc dù trong nghiên cứu, GS Nguyễn Văn Tuấn và BS Thục Lan không kêu gọi mọi người ăn chay, nhưng họ khẳng định một chế độ ăn uống với nhiều rau quả có tác dụng tích cực đến sức khoẻ của xương. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng nghiên cứu này chưa đo lường nồng độ vitamin D – một yếu tố quan trọng cho việc duy trì sức khoẻ của xương. 
Ăn nhiều rau rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Hàm lượng canxi trong rau dền cao hơn 2 lần lòng đỏ trứng
Theo Bảng thành phần Dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong 100g thực phẩm ăn được thì rau dền cơm có hàm lượng canxi cao gấp hơn 2 lần so với lòng đỏ trứng gà, vịt; cao gần gấp 3 lần so với cá khô, sữa bò tươi, sữa chua và cá chạch. Cụ thể: Rau dền cơm có hàm lượng canxi trong 100g là 341mg trong khi lòng đỏ trứng gà chỉ có 134mg và lòng đỏ trứng vịt là 146mg; Cá khô (cá chim, thu, nụ, dé) chỉ có hàm lượng 120mg. Tương tự, sữa bò tươi, sữa chua và cá chạch cũng đều có hàm lượng 120mg.
Những loại rau được xếp vào loại nhiều canxi trên 100g thực phẩm ăn được còn có cần tây: 325mg; rau răm: 316mg; cần ta: 310mg; rau dền đỏ, dền trắng: 288mg; lá lốt: 260mg; rau kinh giới 246mg.
Những loại rau thông dụng như rau đay, rau muống, rau mồng tơi, rau bí, rau ngót thì đứng đầu là rau đay: 182 mg; rau mồng tơi 176mg; rau ngót 169mg, còn lại rau muống và rau bí đều có hàm lượng là 100mg/100g thực phẩm ăn được.
Theo BS Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khoẻ Minh Hương (Ba Đình, Hà Nội), chất khoáng và canxi trong rau quả có tác dụng giúp hạn chế tác hại của muối ăn và các thực phẩm giàu natri khác đối với xương. Chất natri khi phối hợp với protein sẽ làm gia tăng sự bài tiết canxi qua nước tiểu, ảnh hưởng xấu đến xương. Nó cũng làm thúc đẩy sự mất các chất khoáng. Vì vậy, chế độ ăn nhiều rau quả sẽ có khả năng chống lại những ảnh hưởng trên.
Mai Thúy (giadinh.net)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)