Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn nhiều thịt đỏ tăng nguy cơ mắc tiểu đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nghiên cứu mới của ĐH Harvard cho thấy những người ăn nhiều hơn 2 phần thịt đỏ mỗi tuần (tương đương 140g), nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn người tiêu thụ ít.
Công trình đăng trên Tạp chí American Journal of Clinical Nutrition hồi giữa tháng 10, cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ nhất, khoảng 2,5 khẩu phần mỗi ngày, nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn 62% so với những người ăn ít nhất.
Thịt đỏ
Mọi người ăn càng nhiều khẩu phần thịt đỏ càng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Các chuyên gia từ ĐH Harvard đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe và chế độ ăn uống của khoảng 200.000 người. Họ được hỏi cứ 2 đến 4 năm một lần về những gì bản thân tiêu thụ trong 36 năm. Trong thời gian này, hơn 22.000 người tham gia đã mắc bệnh tiểu đường type 2.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố khác, bao gồm hoạt động thể chất và lượng rượu uống vào, các nhà nghiên cứu phát hiện ra, mọi người ăn càng nhiều khẩu phần thịt đỏ càng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, mỗi khẩu phần thịt đỏ (đã chế biến như xúc xích, dăm bông, thịt xông khói…) liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 46%, trong khi con số ở thịt đỏ (chưa qua chế biến) là 24%. Người tiêu thụ trên hai khẩu phần mỗi ngày (tương đương 140 g trở lên) có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn 62% so với người ăn ít nhất.
Theo các chuyên gia, công trình trên không khẳng định ăn thịt đỏ là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh tiểu đường, nó cho thấy mối liên hệ giữa lượng thịt bạn nạp vào và nguy cơ mắc bệnh.
Dù vậy, nhà khoa học Xiao Gu, tác giả nghiên cứu, khuyến nghị mọi người nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, chỉ nên 70 g mỗi tuần, đồng thời thay thế protein nạp vào cơ thể bằng thực vật như đậu, các loại hạt…, song song thực hiện lối sống lành mạnh.
Hiện, hơn 5 triệu người Việt mắc bệnh đái tháo đường (type 1, 2), chiếm 5,7% dân số, song 50% trong số họ không được chẩn đoán. Bệnh tiểu đường type 2 thường diễn biến âm thầm và không biểu hiện triệu chứng trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Nhiều người không phát hiện tiểu đường do bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng như sụt cân dù ăn nhiều, khát nước, đi tiểu nhiều khi đường huyết tăng quá cao.
Bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, đường huyết tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton (tăng axit trong máu), nhiễm trùng, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đường huyết tăng cao kéo dài trước khi người bệnh được chẩn đoán và điều trị gây ra các biến chứng trên các cơ quan như mạch máu, thần kinh, thận, mắt.
Liên Hợp Quốc cũng dự báo số người bị bệnh tiểu đường sẽ tăng gấp đôi, từ 529 triệu hiện nay lên 1,3 tỷ người vào năm 2050. Đến lúc đó, một phần 7 đến một phần 8 dân số sẽ sống chung với bệnh tiểu đường, là là mối đe dọa với hệ thống y tế.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)