Béo phì đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật nguy hiểm và hầu như ai cũng sợ béo. Tuy nhiên, hiện nay không ít người gầy ốm, không thể nào tăng cân dù làm đủ cách.
Vậy gầy ốm mãn tính là do đâu?
Mắc bệnh chuyển hóa, bệnh tiêu hóa…
Trước hết người quá gầy ốm cần đi khám sức khỏe tổng quát để loại trừ một số bệnh lý gây gầy ốm sụt cân. Nhiều bệnh lý gây gầy ốm sụt cân bao gồm bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh về tuyến giáp như bướu cổ, cường giáp, bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày tá tràng, kém hấp thu, bệnh ung thư…
Nhiều bạn trẻ khó tăng cân dù ra sức ăn uống – Ảnh: N.C.T.
Các bệnh lý này thường có triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều (trong đái tháo đường), mất ngủ, hồi hộp, mạch nhanh trong bướu cổ cường giáp, đau bụng, đi tiêu chảy thường xuyên trong các bệnh về đường tiêu hóa và thường các bệnh này sẽ được dễ dàng chẩn đoán qua khám bệnh và xét nghiệm cận lâm sàng.
Tuy nhiên cũng có một số lớn bệnh nhân gầy ốm đến khám tại cơ sở y tế mà không tìm thấy một bất thường nào qua thăm khám và xét nghiệm. Những người này vẫn ăn uống đầy đủ, lao động sinh hoạt bình thường khỏe mạnh.
Mẫu số chung của các đối tượng này là gầy ốm từ nhỏ, ăn nhiều vẫn không mập hoặc ăn không nhiều, những người này có những giai đoạn có tăng cân hơn một chút, như sau đợt bồi dưỡng, mang thai, cho con bú… nhưng rồi lại trở về cân nặng như xưa, đâu lại vào đó.
Gầy ốm khó tăng cân cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Họ thường bị bạn bè “ghen tị” vì ăn thoải mái mà không tăng cân. Song, nhiều người quá gầy cũng gặp khó khăn do bị chê thiếu sức khỏe, sức sống.
Và cơ thể kháng lại việc tăng cân
Qua các nghiên cứu về cân bằng năng lượng, các nhà khoa học chỉ ra rằng mỗi người chúng ta sẽ được yếu tố di truyền quyết định một mức cân nặng nào đó được gọi là mức cân nặng tự nhiên. Yếu tố di truyền quyết định, tác động đến các yếu tố nội tiết tố, chuyển hóa cơ bản, khẩu vị… và mục đích cuối cùng là duy trì cân nặng của mỗi người ở một mức được định sẵn bất chấp nỗ lực làm tăng hay giảm cân của bản thân.
Gen chống tăng cân sẽ làm cơ thể tiết nội tiết tố tăng trưởng nhiều hơn, từ đó tăng đốt năng lượng chống tích tụ mỡ. Tuy nhiên, lượng nội tiết tố tăng trưởng này giảm dần theo tuổi. |
Đến thời điểm này các biến thể trên gen FTO – một gen được chứng minh có vai trò trong điều hòa lượng mỡ và cân nặng cơ thể – có vai trò quan trọng trong quyết định cân nặng ở từng cá thể. Yếu tố di truyền sẽ điều hòa khẩu vị của đối tượng, nói cách khác ở cơ thể những người này có một cơ chế tự nhiên báo no cho họ khi họ ăn một lượng thực phẩm nhất định, giúp họ không bao giờ ăn vượt quá giới hạn để dẫn đến tăng cân và béo phì.
Bên cạnh đó còn có cơ chế điều hòa chuyển hóa cơ bản. Mức chuyển hóa cơ bản là mức năng lượng cần thiết tối thiểu để duy trì sự sống ở mỗi người. Ở những người gầy do di truyền, nếu họ tăng năng lượng ăn vào một cách cố tình (cố gắng bồi dưỡng ăn, uống sữa thêm để mập hơn) thì cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng mức chuyển hóa cơ bản (có khi lên đến 30%) để đốt cháy bớt năng lượng đưa vào và kháng lại với việc tăng cân.
Cơ chế cuối cùng là thông qua nội tiết tố tăng trưởng. Gen chống tăng cân sẽ làm cơ thể tiết nhiều hơn nội tiết tố tăng trưởng, từ đó tăng đốt năng lượng chống tích tụ mỡ. Tuy nhiên, lượng nội tiết tố tăng trưởng này giảm dần theo tuổi và khi lớn tuổi nhiều người gầy có tăng cân thêm một tí do giảm bớt lượng nội tiết tố tăng trưởng.
Nếu bạn bị rơi vào hoàn cảnh này, trước tiên nên đi khám tổng quát để được chẩn đoán và điều trị một số nguyên nhân đặc biệt như đã nêu trên. Nếu bạn quá gầy, suy dinh dưỡng thì cần tư vấn điều trị tại bác sĩ dinh dưỡng, tiết chế viên để kéo cân nặng lên khỏi ngưỡng thấp nhất (chỉ số khối cơ thể BMI, được tính bằng công thức cân nặng chia bình phương chiều cao 18,5) và các biện pháp duy trì ở mức đó, ngoài ra cần một tinh thần lạc quan, chế độ ăn uống, vận động lành mạnh, điều độ.
ThS.BS Trần Quốc Cường
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)