Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn no buồn ngủ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, đặc biệt là buổi trưa, thậm chí hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
Tại sao buồn ngủ ?
Khi chúng ta ăn, dạ dày sản xuất ra gastrin, một loại hormone thúc đẩy quá trình tiết dịch tiêu hóa. Thức ăn đi vào ruột non, các tế bào trong ruột non tiết ra hormone gastrin nhiều hơn làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác, kể cả lưu lượng máu. Khi máu dồn nhiều xuống dạ dày và ruột để nhận các chất vừa được chuyển hóa từ thức ăn và vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể, thì đồng nghĩa với số lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác giảm đi, từ đó gây nên hiện tượng buồn ngủ.
Ngoài ra, triệu chứng buồn ngủ cũng có thể xảy ra sau khi ăn quá nhiều chất ngọt và tinh bột. Khi thức ăn đi xuống ruột, nồng độ insulin tăng lên khiến lượng đường trong máu hạ xuống gây ra mệt mỏi và buồn ngủ. Không chỉ vậy, thức ăn ngọt và tinh bột cũng kích thích não sản xuất một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh có tên serotonin – “thủ phạm” gây mệt mỏi và buồn ngủ.
Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Hóa sinh và giấc ngủ
Mặc dù ai cũng biết bữa ăn mất cân bằng dinh dưỡng (thường chứa nhiều chất béo) có liên quan đến cảm giác buồn ngủ, nhưng thực tế ngay cả những bữa ăn cân bằng chất dinh dưỡng hoặc giàu protein vẫn gây ra cảm giác buồn ngủ.
Vì sao vậy?
Các nhà khoa học ở Đức phát hiện bữa ăn có nhiều carbohydrate và glycemic (là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường) dẫn đến việc gia tăng các hormone insulin. Insulin thúc đẩy sự hấp thụ và sử dụng glucose từ máu sau bữa ăn, và nó còn cho phép một a xít amin đặt biệt có tên gọi trytophan xâm nhập vào não bộ. Khi vào não, trytophan được chuyển đổi thành serotonin – một hóa chất báo hiệu cho hệ thống dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác buồn ngủ, đặc biệt ở trẻ em.
Theo thông tin trên trang News, không chỉ thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và glycemic gây buồn ngủ mà gần đây các nhà khoa học còn tìm thấy thực phẩm có hàm lượng protein cao cũng dẫn tới hiện tượng này. Lý do, thực phẩm giàu protein chứa nhiều a xít amin nên cũng xảy ra hiện tượng tương tự như carbohydrate và glycemic khi xâm nhập vào màng tế bào não.
Tránh híp mắt sau khi ăn
Không ăn quá nhanh: Mất khoảng 20 phút để bụng truyền tải thông điệp tới não rằng bạn đã no. Chính vì vậy, nếu ăn quá nhanh, cơ thể sẽ không thể nhận ra rằng việc nạp năng lượng như thế là đủ và bạn sẽ ăn nhiều hơn mức cho phép. Ngoài ra, ăn chậm còn có tác dụng giúp nồng độ kích thích tố tự nhiên leptin trong cơ thể (hormone thông báo no) tăng lên và ghrelin (hormone đói – thường phát hành khi bắt đầu ăn) giảm, từ đó sẽ làm giảm sự thèm ăn và hạn chế cảm giác buồn ngủ.
Cân bằng bữa ăn: Một bữa ăn cân bằng phải đảm bảo tỷ lệ 1 phần protein, 2 phần carbohydrate, và đừng bỏ qua các nhóm thực phẩm chính (rau đậu, trái cây, ngũ cốc, thịt nạc, các sản phẩm từ sữa) vì chúng chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất.
Tránh đi ngủ sau khi ăn no, nên đi lại nhẹ nhàng khoảng 30 phút để giúp dạ dày nhào trộn, tiêu hóa thức ăn và chuyển xuống ruột non dễ dàng. Thực hiện được thói quen này sẽ giúp hạn chế được những cơn buồn ngủ không mời mà đến.

Hạ Yên (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)