Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn nội tạng động vật như thế nào để không phải nhập viện?

Tạp Chí Giáo Dục

Nội tạng động vật không nguồn gốc, không được chế biến an toàn sẽ gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nhưng nội tạng động vật cũng là loại đồ ăn chứa nhiều dinh dưỡng.
Nỗi lo bệnh tật tiềm ẩn từ nội tạng động vật
Nội tạng động vật là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là nội tạng bò, lợn thường được dân nhậu rất ưa thích. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng không nên sử dụng loại đồ ăn này vì nó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh đối với con người, thậm chí là tử vong sau khi sử dụng.
Trước những thông tin trên, người tiêu dùng nên tiếp tục sử dụng hay từ bỏ nội tạng động vật ngay lập tức? Theo các chuyên gia, bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có hai mặt "lợi và hại" và nội tạng động vật cũng không phải là ngoại lệ, điều quan trọng nhất là sử dụng bao nhiêu, sử dụng như thế nào và nguồn gốc của những loại nội tạng đó từ đâu.
Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng lại đưa ra cảnh báo đó, vì nó hoàn toàn có cơ sở, khi hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến nội tạng thối được các cơ quan chức năng thu giữ. Nếu không phát hiện kịp thời, những loại nội tạng đó sẽ được "phù phép" bằng các loại hóa chất rồi đưa vào các chợ, quán ăn, nhà hàng và chắc chắn rằng điểm đến cuối cùng là dạ dày của những thượng khách.
Không chỉ có vậy, với thói quen sử dụng nội tạng tái của Việt Nam, nguy cơ mắc bệnh là vô cùng lớn, đặc biệt là nội tạng lợn. Điều này đã được minh chứng qua những ca nhập viện và phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để điều trị, thậm chí là tử vong vì mắc liên cầu lợn, sán lên não…
Với thói quen sử dụng nội tạng tái của Việt Nam, nguy cơ mắc bệnh là vô cùng lớn.
Với thói quen sử dụng nội tạng tái của Việt Nam, nguy cơ mắc bệnh là vô cùng lớn.
Với những lý do trên, người tiêu dùng có quyền để nói rằng không nên sử dụng nội tạng động vật. Tuy nhiên, nếu xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng động vật không phải là loại đồ ăn "bỏ đi" vì nó chứa một hàm lượng dinh dưỡng khá cao và có những tác dụng nhất định đối với cơ thể con người.
Ăn sao cho đúng
Ths. BS Lê Thị Hải – nguyên GĐ Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, các loại phủ tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A. Nhưng nhược điểm chủ yếu của các loại phủ tạng là chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục.
Việc sử dụng nội tạng động vật cũng tùy vào đối tượng. Ví dụ như các loại phủ tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân – béo phì… Cho nên người cao tuổi thì nên ăn hạn chế, còn người mắc các bệnh kể trên không nên ăn các loại phủ tạng này.
Theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nội tạng động vật chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải. Cụ thể, người trẻ tuổi nên dừng lại ở mức 2 – 3 lần/tuần (khoảng 50 – 70g/lần), trẻ em chỉ nên ăn 2 lần/tuần (khoảng 30 – 50g/lần).
Ngoài ra, hiện có nhiều quan điểm cho rằng không nên ăn gan động vật vì đây là nơi lọc độc tố, chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể. Đây là một quan niệm không đúng bởi gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy ăn gan là tốt chứ không phải là độc.
Các chuyên gia khuyến cáo việc chọn mua gan đảm bảo an toàn là vô cùng quan trọng. Người tiêu dùng nên chọn gan của những động vật không bị bệnh: gan màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, khi mua về cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô hết máu ứ trong gan, như vậy các chất độc có trong máu của gan đã bị loại bỏ chỉ còn các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.
Qua những phân tích trên có thể thấy rằng việc nên hay không nên ăn nội tạng động vật là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, thể trạng của cơ thể. Một điều rất quan trọng nữa đó là phải mua nội tạng động vật những nơi tin cậy, chế biến đảm bảo an toàn và ăn đúng liều lượng, tuyệt đối không ăn sống, tái vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)