Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về một số vấn đề chính sách xã hội (CSXH) giai đoạn 2012-2020. Sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, an sinh xã hội cần tiếp cận theo vòng đời. Bởi lao động hiện tại sau này sẽ già đi cần được hỗ trợ nhiều hơn, ngay cả con cháu của họ cũng cần được hỗ trợ…
Người dân TP.HCM nhận tiền hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2021
Chưa bao phủ hết đối tượng
Ông Bùi Tôn Hiến – Viện trưởng Viện Lao động và Xã hội – cho biết, qua 10 năm thực hiện nghị quyết, hệ thống CSXH đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân; góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong đó, chỉ số phát triển con người năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019). Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt và là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống CSXH trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn, hệ thống chính sách được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Tuy nhiên, CSXH chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện CSXH chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tái nghèo vẫn cao. Các chính sách thị trường lao động hiệu quả chưa cao, nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội thấp so với tiềm năng; bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia. Tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia còn thấp; phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41% so với mục tiêu…
“Các tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh. Còn nguyên nhân chủ quan do nhận thức, hệ thống chính sách pháp luật còn chậm tích hợp, sửa đổi, hoàn thiện, thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện, chế tài xử lý sai phạm chưa đủ mạnh. Tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới. Chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân”, ông Hiến nói.
Cần quan tâm hơn nữa người yếu thế
Tỉnh Đắk Nông, qua 10 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu của nghị quyết đề ra cơ bản hoàn thành. Các chương trình, chính sách trên mọi lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, GD-ĐT đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – thì, nghị quyết mới về CSXH cho giai đoạn 2023-2030 cần phát huy ưu điểm và đánh giá đúng thực trạng hiện tại. Chính sách mới ban hành cần phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, lấy con người làm trung tâm phát triển, đảm bảo các chính sách xây dựng phát triển hài hòa, đồng bộ. Phải hướng đến toàn dân, toàn diện, đáp ứng nhu cầu an sinh, dịch vụ xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thể phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Chính phủ, Trung ương cần sát sao đến các địa phương. Hiện nay có nhiều công trình bị bỏ hoang với nguồn đầu tư rất lớn; trong khi đó có rất nhiều địa phương còn đói, thiếu nguồn vốn xây dựng. Phải nhìn nhận thấu đáo, đồng bộ giữa các địa phương. Quan tâm hơn nữa những người yếu thế, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ mồ côi… để họ được hưởng đầy đủ các chính sách”, bà Hạnh bày tỏ.
Đối với TP.HCM, việc thực hiện CSXH có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Song, ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP – thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đảm bảo được tính bao trùm xã hội, chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài Nhà nước. Các chính sách an sinh tuy được ban hành nhiều nhưng còn nhiều đầu mối, thiếu đồng bộ. Những biến động không mang tính quy luật, phổ biến về giá cả, thị trường, dịch bệnh, thiên tai tác động tiêu cực đến người dân đòi hỏi phải chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
Động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch
Bà Ingrid Christense – Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam – nhấn mạnh, thúc đẩy mở rộng CSXH là một trong 3 lĩnh vực ưu tiên nhưng quan trọng phải đảm bảo chính sách. Thách thức lớn nhất hiện nay là tiếp cận được nhóm lao động bị bỏ quên – đó là lao động phi chính thức dễ bị tổn thương – xảy ra nhiều ở doanh nghiệp nhỏ và vừa (gồm các trường hợp có thời gian lao động ngắn hạn, không có hợp đồng lao động, nữ lao động mang thai hoặc cận tuổi nghỉ hưu). Do đó, cần có sự liên kết chặt chẽ về an sinh xã hội, việc làm, kinh tế thì mới thực hiện được chính sách toàn dân.
Theo bà Ingrid Christense, tăng cường đầu tư vào an sinh xã hội tại Việt Nam là động lực chính để phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời đảm bảo bao trùm bền vững, đặc biệt là nguồn lao động nhằm tránh được các cú sốc kinh tế. An sinh xã hội cần tiếp cận theo vòng đời. Bởi lao động hiện tại sau này sẽ già đi cần được hỗ trợ nhiều hơn, ngay cả con cháu của họ cũng cần được hỗ trợ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 có mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. |
Để hướng đến hệ thống CSXH toàn diện, ông Nguyễn Hải Đạt – chuyên gia của ILO – cho rằng, cần phải xác định dựa trên 4 trục lớn, đó là tăng cường phối hợp giữa các chính sách, trụ cột an sinh; bảo hiểm xã hội bắt buộc cần hấp dẫn hơn đối với người lao động; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội; tăng cường mối liên kết và phối hợp giữa chính sách an sinh, các chính sách kinh tế, việc làm.
“Đơn cử, đối với trụ cột bảo hiểm xã hội nên giảm số năm đóng góp tối thiểu để người lao động được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Tăng cường chế độ và mức hưởng; mở rộng tới các nhóm lao động mới”, ông Đạt nói.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)