Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ẩn số Trung Quốc trên thị trường gạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Trong hai tuần lễ qua, những thông tin việc Trung Quốc mất mùa, nhập gạo đã gây ra nhiều lo lắng. Từ số liệu dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ cách đây vài ngày, có thể thấy nỗi lo Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở.
Tiếp theo hạn hán là lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc có thể mất mùa tới 14 triệu tấn gạo do lũ lụt vừa xảy ra liên tiếp, là thông tin đã được đưa trên một số phương tiện thông tin đại chúng nước ta. Thực hư ra sao?
Không mất mùa
Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn cho rằng sản lượng gạo của Trung Quốc niên vụ này sẽ không có gì thay đổi so với các dự báo trong liên tục ba tháng gần đây. Họ dự báo sản lượng của Trung Quốc vẫn tăng 500 ngàn tấn so với niên vụ vừa qua, đạt mức 137,5 triệu tấn gạo.

Người tiêu dùng trong nước đang ăn gạo giá cao hơn gạo xuất khẩu. Ảnh: Lê Quang Nhật

Phải chăng, những thông tin trái ngược trên bắt nguồn từ hai lý do. Trước hết, thiệt hại khoảng 5 – 7% sản lượng ước tính của Trung Quốc chỉ là của vụ liên quan đến hạn hán và lũ lụt, mà như thông tin này cho biết, vụ này chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng cả năm của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là, mức thiệt hại sẽ chỉ vào khoảng 1,7 – 2,4 triệu tấn, tức là chỉ bằng 1,2 – 1,7% tổng sản lượng cả năm, chứ không thể lên tới 14 triệu tấn, tức là khoảng 10% tổng sản lượng cả năm.
Điều này cũng có nghĩa là, nếu thiệt hại do hạn hán và lũ lụt là không quá lớn như vậy và sản lượng cả năm vẫn tăng 500 ngàn tấn, thì sản lượng của vụ mùa tiếp theo chiếm 3/4 sản lượng còn lại sẽ phải tăng khoảng 2,1 – 2,8%.

Như các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, đây là mức tăng trong tầm tay của quốc gia này. Bởi lẽ, từ sau năm 2003, sản lượng gạo của Trung Quốc tăng bình quân gần 4,1 triệu tấn và 3,44% mỗi năm.

Tự cấp tự túc
Thứ hai, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong dự trữ gạo nói riêng và lương thực nói chung, Trung Quốc cũng giữ vai trò số một về bảo đảm an ninh lương thực thế giới, cho nên lo ngại Trung Quốc gây mất ổn định thị trường gạo có lẽ là thiếu cơ sở.
Theo giáo sư C. Peter Timmer, chuyên gia hàng đầu thế giới về thị trường gạo thì Trung Quốc là một ẩn số. Trong cuộc khủng hoảng lúa gạo năm 2008, mặc cho những lời kêu gọi, Trung Quốc không quan tâm đến việc bình ổn thị trường thế giới. Họ có thói quen đảm bảo an ninh lương thực của mình bằng cách “tự cung tự cấp” và yên tâm với nó. Dù rằng, vào thời điểm xảy ra sốt giá, Trung Quốc dự trữ tới mấy chục triệu tấn gạo. Chỉ cần họ bán ra 2 triệu tấn là có thể hạ nhiệt thị trường thế giới, nhưng họ không làm gì cả.

Các số liệu mới nhất của bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tuy sản lượng và tiêu dùng gạo đều ở mức khổng lồ, chiếm gần 30% tổng sản lượng và tổng tiêu dùng của thế giới, nhưng nhập khẩu chỉ chiếm 1,1%, xuất khẩu cũng chỉ chiếm 2,9%.

Dự trữ gạo của Trung Quốc chiếm hơn 43% tổng dự trữ của thế giới, gấp hai lần của Ấn Độ, thậm chí nhiều thời điểm còn gấp hơn ba lần.
Điều này có nghĩa là, Trung Quốc luôn luôn là quốc gia có “tích cốc phòng cơ”, nên cho dù có mất mùa, họ cũng sẵn nguồn dự trữ.
Bên cạnh đó, ở mặt hàng lương thực số hai của nước này là lúa mì, tình hình cũng rất khả quan. Đó là, với sản lượng 114,5 triệu tấn, chiếm 17,7% tổng sản lượng của thế giới và hai con số này trong tiêu dùng là 105,8 triệu tấn và 15,9%, còn xuất, nhập khẩu chỉ chiếm 1,6% và 0,4%.
Dự trữ đầu năm nay của Trung Quốc chiếm gần 30% tổng dự trữ của thế giới, còn dự trữ cuối năm sẽ tăng mạnh và vươn lên chiếm 36,3%.
Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, Trung Quốc chỉ là quốc gia tự cung tự cấp lớn nhất và điển hình nhất, còn việc tham gia vào thị trường lương thực thế giới không đáng kể.
Tất cả những điều nói trên cho phép suy đoán rằng, Trung Quốc không thiếu gạo, nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, đã có những nơi, những lúc giá gạo tăng, cho nên đã có những thương nhân “nhanh chân ghé nhà hàng xóm mua gạo về bán kiếm lời”. Những xáo động trên thị trường lúa gạo nước ta trong những ngày vừa qua chỉ là những phản ứng thái quá, nhất thời.
Nguồn: SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)