Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

An tâm với thực phẩm có nguồn gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ sự nỗ lực của các ban ngành, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang đem lại tín hiệu tốt cho người tiêu dùng để khách hàng thật sự an tâm hơn khi mua sắm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Điểm bán thịt heo tại các siêu thị có thể truy xuất được nguồn gốc của thịt từ khâu chăn nuôi đến phân phối

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TXNGTP) là một cách cho phép người tiêu dùng trực tiếp dễ dàng thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, giúp người mua nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Xua tan nỗi sợ thực phẩm bẩn

Đây là giải pháp với mục đích hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng đã được sử dụng từ lâu ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ với khái niệm xa lạ này. Điều đó cũng thật dễ hiểu bởi vì từ trước tới nay người tiêu dùng đi mua sắm chỉ quan tâm tới giá cả và chất lượng chứ rất khó khăn trong việc “điều tra” nguồn gốc các loại thực phẩm mà mình đã bỏ tiền ra mua. Bà Thiết, ngụ ở P.Bình Trưng Đông, Q.2 kể: “Hàng ngày tôi vẫn ra chợ gần nhà để mua rau củ và thịt cá về nấu ăn. Điều tôi quan tâm là giá cả đắt hay rẻ chứ còn về chất lượng ngon hay dở, sản xuất hay nuôi trồng ở đâu thì cũng rất khó biết. Đôi khi thấy rau củ đẹp mắt bất thường hỏi thì được người bán trả lời chắc nịch là giá tự nhà làm, rau trồng trong vườn, cá không hề tẩm ướp gì cả”. Mặc dù được người bán trấn an nhưng lúc nào người phụ nữ 65 tuổi vẫn nơm nớp lo sợ vì mua phải “thực phẩm bẩn” giữa một ma trận mà mình không hay biết. Đây là nỗi lo chung không chỉ riêng bà Thiết mà của rất nhiều bà nội trợ mỗi khi xách giỏ ra chợ. Lo sợ và quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm đem về nấu nướng cho cả gia đình ăn nhưng hầu hết ai cũng đành bất lực trước việc dò hỏi cho ra “ngọn nguồn gốc rễ” các loại thực phẩm này lấy từ đâu ra. Tất cả chỉ là một bức màn bí mật nếu có vén ra thì cũng chẳng đem lại được một thông tin gì ngoài sự khẳng định vu vơ của người bán. Tâm lý hoang mang của khách hàng khi lựa chọn một sản phẩm đã kéo dài hàng năm nay giống như câu hỏi chưa bao giờ có lời đáp.

Đây chính là động lực thúc đẩy để cuối năm 2016 Sở Công thương TP.HCM kịp thời đưa ra đề án quản lý và TXNGTP mặt hàng thịt heo tại gần 350 điểm bán lẻ thuộc hệ thống phân phối hiện đại như Big C, Saigon Co.op, Vissan… Mặc dù thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với ứng dụng tích cực và đặc biệt là có lợi cho người tiêu dùng về sức khỏe và niềm tin nên người tiêu dùng đã không ngần ngại sử dụng công nghệ hiện đại này.

“Cây đũa thần” của smartphone

Chị Thanh, nhân viên siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh hướng dẫn, muốn TXNGTP mặt hàng thịt heo thì người mua phải tải ứng dụng Te-Pood về bằng điện thoại thông minh thông qua Google Store, App Store và Windows Market: “Khi ứng dụng Te-Pood hiện lên thì chúng ta chỉ chọn vào mục người tiêu dùng để không phải đăng nhập tài khoản như mục siêu thị. Sau đó dùng camera của điện thoại dò lên mã QR của miếng thịt thì sẽ hiện lên các thông tin cụ thể”. Theo chị Thanh, những thông tin trên miếng thịt bao gồm tên trang trại chăn nuôi, địa chỉ cơ sở và thời gian giết mổ, thời gian thú y kiểm dịch, tên nhà phân phối sản phẩm. Đến lúc đó người tiêu dùng khỏi băn khoăn vì không “gặp” phải miếng thịt heo bán trôi nổi mà không biết tung tích từ đâu.

Chị Thanh cho hay, đối với những người không dùng điện thoại thông minh thì nhờ máy tính bảng hỗ trợ để nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ngay tại điểm bán hàng hoặc qua trang web te-pood.com. Trên mỗi suất thịt heo đều có dán mã QR hình vuông với các ký hiệu riêng biệt, người mua chỉ cần mở điện thoại để rà “mã vạch” thì sẽ “đọc” được mọi thông tin cần thiết mà không cần đến lời giải thích của người bán. Khách hàng có quyền từ chối mua sản phẩm nếu điện thoại không đọc được những thông tin cần thiết trên sản phẩm.

Theo Sở Công thương TP.HCM, trong quá trình thí điểm nhiều cơ sở chăn nuôi đã tình nguyện đăng ký tham gia đề án với mục đích đem lại uy tín cho khách hàng và tạo đầu ra thuận lợi cho các trang trại chăn nuôi làm ăn chân chính. Ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện, nhiều điểm bán lẻ thịt heo tại TP.HCM đã có những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng vì tính tiện lợi và thiết thực của đề án. Nhiều người cho rằng, nhờ có “lý lịch trích ngang” sản phẩm mà người mua dễ dàng nhận diện ra được các loại thực phẩm sạch từ sự khẳng định khách quan của công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đánh giá cao ứng dụng tích cực của Te-Pood đáp ứng kịp thời nhu cầu truy xuất thực phẩm của người dân và rất thiết thực nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo ông Hòa sau khi hoàn thiện tại kênh phân phối hiện đại Te-Pood sẽ được đưa đến các kênh phân phối truyền thống với sự hỗ trợ tích cực về máy soi, tem chứa mã QR cho các tiểu thương bán lẻ. Đây thật sự là tín hiệu khả quan cho hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn về khâu vệ sinh trong tương lai của toàn TP.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)