Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ăn theo dịch COVID-19, dịch vụ đi chợ thuê đắt hàng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sợ dịch viêm đường hô hấp COVID-19, dân công sở ngại đến nơi đông người đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, thuê người đi chợ giúp…

Tấp nập đơn hàng

“Nhà mình ơi! Em có menu cơm nhà quê cho ngày mai nhé: canh măng chua cá lăng 150k; khổ qua nhồi cá thác lác 100k/3 trái, canh hến mồng tơi 100k; tôm tươi xào măng tây 200k; cá bống kho dừa 180k; bông cải xào mực 210k… Cả nhà order (đặt món) trước 9g ngày mai nha!” – dòng thông tin đăng trên facebook Đi chợ giùm bạn thu hút cả trăm khách hàng hỏi thông tin, đặt món.

Đây là một trong rất nhiều dịch vụ đi chợ thuê được dân công sở, bạn trẻ Sài Gòn tin tưởng, thường xuyên tương tác đặt thức ăn. Chị Thu Hương (nhân viên ngân hàng ở Q.1, TPHCM) tâm sự, trước kia, chị hay đặt cơm trưa, mấy món ăn vặt, nhưng từ ngày sợ dịch, ngại ra chợ, siêu thị đông người nên đặt luôn dịch vụ đi chợ thuê. “Giờ thì chỉ sau 1-2 giờ order, các loại thực phẩm yêu cầu sẽ được mang đến tận nơi. Mình đem về chỉ cần nấu vì thực phẩm đã được sơ chế sẵn hoặc có thể đặt luôn món ăn nếu quá bận” – chị Hương vui vẻ nói. 

Dân công sở chỉ cần click chuột, thức ăn sẽ được giao tận nhà

Khẩn trương kiểm tra hết các đơn hàng khách đã đặt từ hôm trước, chị Mai Thị Thu Trang (chủ facebook Dicho247) bắt tay vào việc đi chợ mua thực phẩm, về nhà sơ chế rồi gửi nhân viên giao hàng đến địa điểm khách yêu cầu. Thực phẩm vận chuyển được bảo quản trong thùng bảo ôn và có kèm đá gel lạnh, nhằm đảm bảo thực phẩm vẫn tươi ngon sau một thời gian nhất định. Bà chủ dịch vụ đi chợ giúp chia sẻ: “Nhờ mình kỹ lưỡng, tuy giá dịch vụ có cao chút xíu nhưng khách đều chấp nhận”.

Nhận thấy nhu cầu khách cần chế biến món ăn giao hàng tận nơi tăng cao trong mùa dịch, chị Mai Chi (chủ cửa hàng nông sản ở Q.Gò Vấp, TPHCM) đầu tư thêm xoong nồi, cải tạo gian bếp để nấu ăn bán online: “Mỗi ngày mình đều lên sẵn thực đơn các món ăn cho ngày hôm sau, gồm cả món mặn, rau và canh, giá cả cụ thể. Khách ưng món nào đặt hàng món đó, mình tính theo suất và chế biến tại chỗ, giao hàng nóng hổi theo khung giờ khách đặt. Trước đây chỉ 2-3 đơn/ngày nhưng giờ tăng lên 20 đơn, trong đó chủ yếu là đặt cơm chiều cho gia đình. Giá từ 200.000-300.000 đồng/đơn hàng tùy theo số món, số người ăn”.

Chị Thu Hồng, nhà ở Q.1, nhưng đi làm ở Q.Tân Bình, TPHCM cũng cho biết, từ sau tết, khi dịch covid-19 lan rộng, chị  chuyển sang đi chợ online thay vì đến chợ, siêu thị như trước. Chị thường đặt thực phẩm sử dụng trong 2-5 ngày. “Có đơn vị còn đưa ra combo thực phẩm theo bữa, theo ngày cho người tiêu dùng. Tổng chi phí thực phẩm cho 3 người/tuần khoảng 1-1,2 triệu đồng. Nếu so với khi đi chợ thì giá tương đương nhau nhưng ưu điểm là tiết kiệm thời gian, xăng xe, đặc biệt là tránh nguy cơ dịch bệnh” – chị Hồng phân tích.

Tìm “cơ” trong “nguy”

Ghi nhận thực tế tại các trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng thời trang, các quán nhỏ… tại TPHCM đều vắng khách. Đa số chủ hàng đều chung tâm trạng chán nản do doanh thu giảm sút.

Dịch vụ đi chợ thuê giúp giải tỏa nỗi lo đi chợ ngày dịch

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ tiệm ăn Hương vị miền Tây đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TPHCM) chia sẻ, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến doanh thu của quán rất nhiều. Bà Mai cho biết: “Do khách lo ngại dịch bệnh nên khoảng hai tuần nay, quán vắng khách hơn thời gian trước, tôi nhận các đơn đặt thức ăn qua các ứng dụng công nghệ… khá nhiều, trung bình 40-50 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch nên vẫn cầm cự được.

Tương tự, doanh thu cửa hàng thủy hải sản Aloha (An Dương Vương, Q.Bình Tân, TPHCM) cũng giảm 30-40% so với trước khi bị ảnh hưởng dịch covid-19. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng đáng kể, từ 20-30 đơn/ngày tăng lên 50-60 đơn/ngày. Tùy yêu cầu mà cửa hàng có thể giao hàng tươi sống hoặc chế biến theo khẩu vị vùng miền của khách. “Nhiều khách quen, mình biết khẩu vị nên rất dễ. Còn với khách mới, mình phải hỏi kỹ ăn kiểu Bắc hay Nam, có dị ứng bột ngọt, hành tỏi không để nấu cho phù hợp. Đa số những yêu cầu này sẽ có nhân viên tư vấn trực tuyến hoặc khách lưu ý khi đặt món. Hầu hết khách thanh toán bằng chuyển khoản trước nên không có chuyện hủy đơn” – cửa hàng khẳng định.

Thông thường, khi quyết định mua loại thực phẩm nào trên website, khách sẽ nhắn online hoặc nhấn vào phần “giỏ hàng, đặt hàng” để chọn. Sau khi nhận được tin nhắn mua hàng, nhân viên của đơn vị cung ứng thực phẩm sẽ xác nhận, gửi hóa đơn qua email để khách kiểm tra lại về loại thực phẩm cũng như tổng chi phí phải trả. Nếu khách xác nhận đồng ý, ghi chú thời gian giao hàng thì bên cung ứng thực phẩm sẽ cứ theo thời gian đó mà vận chuyển thực phẩm tới địa chỉ yêu cầu. Các loại thực phẩm sẽ được sơ chế, đóng gói, hút chân không…

Anh Văn Đức Toàn chạy đơn Foody cho hay, những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng đều tăng rất mạnh. 

Cạnh tranh quyết liệt

Thực tế, phương thức mua hàng trực tuyến ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây vài năm, với sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee… và nhiều “ông lớn” trên thế giới như Lazada, Alibaba, Amazon… Đặc biệt, từ khi WHO công bố dịch chủng vi-rút Corona mới thì xu hướng này diễn ra mạnh mẽ, không chỉ ở các trang thương mại điện tử lớn mà ở tất cả trang cá nhân trên các mạng xã hội.

Các trang đi chợ thuê phong phú món ăn

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Central Retail (đại diện siêu thị Big C và Go) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm sự tươi ngon.

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Hệ thống này cho hay, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5-10% nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. “Hiện, tất cả sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được “lên mạng”. Kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày từ khi có thông tin về dịch bệnh. Phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online. Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng” – đại diện Co.opmart thông tin.

Riêng HTVCo.op đã kết nối hàng ngàn thương hiệu Việt chất lượng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Ngoài những chương trình ưu đãi, giảm giá hàng hóa, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động phòng chống covid-19, HTVCo.op sẽ tặng ngay một phần quà chăm sóc nhà cửa khi khách hàng mua sắm với hóa đơn 800.000 đồng trở lên.

Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020. 

Đi chợ hộ sẽ bùng nổ?

Khác rất nhiều với thời gian trước, gần như 100% các đơn vị buôn bán hiện nay đều phải giao hàng tận nơi. Đó cũng là tiêu chí bắt buộc trong kinh doanh nếu không muốn đóng cửa sớm. Tùy mặt hàng, ngành hàng và điều kiện của mỗi cửa hàng mà có những giải pháp giao hàng khác nhau. Song, mẫu số chung vẫn là phải có đội ngũ giao hàng ruột đáp ứng yêu cầu: nhanh, chính xác. 

Bên cạnh các dịch vụ giao nhận quen thuộc Grab, GoViet, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… các shop đang hướng tới những cái tên ship hàng rất mới như MrSpeedy, Topship, JetLink… Đơn vị buôn bán nào tổ chức tốt khâu giao hàng, nhất là giao hàng miễn phí thì xem như thắng chắc, dù tình hình mua bán có phần sụt giảm do dịch bệnh. 

Theo Thiên Thiên/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)