Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ăn theo giá điện, sinh viên khóc!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá điện tăng kéo theo giá nước, giá phòng trọ tăng nên SV đổ xô đi tìm chỗ trọ mới

Nhà đèn chưa tăng giá hoặc tăng một thì các chủ cho thuê phòng trọ đã tăng đến hai, ba lần. Không chỉ ăn theo giá điện, giá nước, các chủ kinh doanh phòng trọ “đục nước béo cò” bằng cách tăng giá cho thuê phòng. Nạn nhân của họ là người dân lao động, công nhân, đặc biệt là sinh viên.
Cái gì cũng tăng
Dạo một vòng các khu nhà trọ sinh viên (SV) chúng ta gặp rất nhiều SV hỏi thuê phòng trọ. Xuất phát từ việc các chủ kinh doanh phòng trọ ăn theo giá điện nên tăng giá phòng khiến SV phải… khóc. Ánh Tuyết, thí sinh ôn thi trọ tại phường Bến Nghé, quận 1 hàng ngày phải mệt mỏi vì sự trở mặt của chủ phòng trọ. Khi thuê phòng hai bên đã thỏa thuận giá cả, bao gồm cả tiền điện, nước nhưng nửa tháng gần đây, khi Tuyết và các bạn cùng phòng mỗi lần sử dụng nước, dùng quạt đều bị chủ nhà nói nặng nói nhẹ, than phiền đủ điều. Tuyết bức xúc “Thật ra tụi em đi học suốt, cả ngày hầu như ở trường, chỉ buổi trưa hay tối mới về phòng. Từ khi giá điện, nước rục rịch tăng lên thì chủ nhà bắt đầu khó chịu khi thấy tụi em dùng quạt, dùng nước. Trong khi tụi em ở trên gác kín mít, nóng như lò bánh mì, không dùng quạt chịu sao nổi”. Bị sốc bởi giá điện, nước, phòng trọ leo thang, nhiều người phải “xuống thang” chuyển sang chỗ trọ khác. Hùng, Nghĩa, Kiên, Hoàng, Tám đều là công nhân, SV từ miền Trung vào thuê nhà ở quận 10. Trước đây, Hùng thuê nguyên ngôi nhà ở quận 10, TP.HCM với giá 2,5 triệu đồng/ tháng rồi rủ bạn bè về ở. Đầu tháng 3 này chủ nhà thông báo tăng tiền nhà, tiền điện nước. Hùng nghĩ chỉ là tăng… nhẹ nhẹ nhưng khi chủ nhà ra giá mới 4 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước tăng gấp rưỡi khiến Hùng “choáng” nên đành chuyển chỗ trọ. Gặp Hùng trong lúc anh cùng nhóm bạn lúi húi dọn nhà, Hùng cho biết “Nhà nhỏ xíu năm thằng ở chật cứng, giá 2,5 triệu/tháng là anh em gồng mình chịu rồi. Nay tăng lên 4 triệu, điện nước cũng tăng thì bó tay”. Không chỉ các quận trung tâm, ngay cả làng ĐH Thủ Đức thì “mốt” ăn theo giá điện cũng rất rầm rộ. Mỹ Lệ – SV Khoa Thư viện – Thông tin ĐHKHXH-NV TP.HCM, trọ tại ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương cho biết: “Năm đầu tụi em thuê phòng này giá 400 ngàn/tháng. Sang năm hai tăng lên thành 500 ngàn/tháng. Từ đầu tháng 3 đến nay tăng lên 750 ngàn/tháng. Tiền điện, nước cũng tăng, trước đây cứ mỗi đứa tháng 10 ngàn tiền nước, điện 2 ngàn một kW nay nước xài bao nhiêu trả bấy nhiêu, mười mấy ngàn một khối, giá điện tăng lên gấp đôi. Tụi em định chuyển phòng trọ nhưng hỏi chỗ nào cũng vậy, cũng tăng tiền phòng, tiền điện nước y chang ở đây nên em rủ thêm bạn về ở, chật chội hơn nhưng đỡ tiền bớt. Tụi em SV chứ đâu phải đi làm mà chủ nhà trọ cứ tăng tiền nhà tiền điện như vậy”.
Bị “làm tiền” đủ kiểu
Trời mưa… đất chịu! Nhân cơ hội giá điện tăng, nhiều chủ trọ “làm giá” tiền nước, tiền phòng trọ khiến SV lao đao. Ánh Tuyết cho biết “Em vào đây mục đích là ôn thi, chỗ ăn chỗ ở phải thoải mái để em tập trung vào ôn thi nhưng cứ thế này sao học được. Đi thì thôi chứ về phòng trọ là thấy không khí nặng nề, bực mình lắm. Tụi em đang tìm phòng khác, phải chuyển sớm thôi nhưng khổ nỗi là chỗ nào hiện nay cũng tăng giá phòng, giá điện, nước trong khi ba mẹ ở quê gửi tiền có chừng. Tụi em đang tiến thoái lưỡng nan nhưng ôn thi mới là mục đích chính của em vào lúc này”. Cùng chung cảnh ngộ như vậy, Ngọc Tấn – SV Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM than thở “Tiền điện nước tăng kiểu này chắc chết quá. Tự nhiên giá điện tăng kéo theo giá nước cũng tăng, giá phòng trọ cũng tăng. SV đã nghèo lại bị “làm tiền” đủ kiểu hết. Trước đây mỗi tháng chi phí cả tiền phòng trọ, điện, nước của mình hết khoảng 350 ngàn đồng, nay lên 500 ngàn đồng. Mỗi tháng gia đình gửi lên 1 triệu đồng nhưng riêng tiền điện, nước, phòng trọ hết ½ rồi, còn 500 ngàn đồng ăn uống, sách vở, học thêm sao đủ”.
Vũ Việt Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)