- 1 An toàn cho trẻ khi đến trường
Mũ bảo hiểm được xem là “lá chắn thép” bảo vệ người tham gia giao thông trong đó có các em nhỏ đang ở độ tuổi học sinh. Việc chọn mũ bảo hiểm chất lượng và đội đúng cách sẽ giúp các em được đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Chọn mũ bảo hiểm an toàn
Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là quy định bắt buộc. Bởi mũ bảo hiểm không chỉ bảo vệ vùng đầu, cổ và mặt mà còn giúp giảm thiểu lực tác động lên não bộ khi xảy ra va chạm giao thông. GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (chuyên gia hàng đầu về an toàn giao thông) từng chia sẻ: “Đội mũ bảo hiểm đúng cách có thể giảm tới 40% nguy cơ tử vong và 70% nguy cơ chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông”.
Không chỉ vậy, mũ bảo hiểm còn giúp bảo vệ các em khỏi các tác động của môi trường như nắng, gió, bụi bẩn, côn trùng… Đặc biệt, với những chiếc mũ bảo hiểm có kính chắn gió, mắt của các em sẽ được bảo vệ khỏi tia UV có hại. Tuy nhiên, không phải em nào cũng biết chọn mũ bảo hiểm chất lượng và đội đúng cách để tăng độ an toàn.
Theo các chuyên gia, việc chọn mũ bảo hiểm cho trẻ em không chỉ đơn giản là chọn loại vừa vặn với đầu mà còn phải dựa trên độ tuổi và sự phát triển của trẻ. Mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có những đặc điểm riêng về thể chất và nhận thức, đòi hỏi chúng ta phải có sự lựa chọn phù hợp.
Đối với trẻ 6 tuổi trở lên việc chọn mũ bảo hiểm như người lớn nhưng vẫn cần lưu ý vì bước vào độ tuổi này phần xương đầu và cổ của bé đã cứng cáp nên phụ huynh thoải mái lựa chọn các loại mũ bảo hiểm tương tự như người lớn miễn là vừa vặn với kích thước đầu của trẻ. Theo đó, phụ huynh có thể chọn mũ bảo hiểm nửa đầu. Loại mũ này gọn nhẹ, thoáng mát, phù hợp để bé đội khi đi học, đi chơi trong TP.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể chọn mũ bảo hiểm 3/4 đầu vì loại này bảo vệ tốt hơn mũ nửa đầu, che phủ được phần đầu, gáy và một phần má. Mũ 3/4 đầu thường được sử dụng cho những chuyến đi xa, hoặc khi tham gia giao thông với tốc độ cao hơn.
Đội đúng cách
Bên cạnh chọn mũ bảo hiểm phù hợp, chất lượng, việc đội đúng cách cũng rất quan trọng. Trong chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Đại úy Phan Thành Nghĩa – Bí thư Chi đoàn Trạm CSGT Tân Túc cho biết, việc đội mũ bảo hiểm đúng cách giúp ngăn ngừa hậu quả và làm giảm tỉ lệ thương vong do tai nạn giao thông xảy ra. Nếu đội mũ bảo hiểm không đúng cách có thể làm mũ bảo hiểm văng ra khỏi đầu khi bị va chạm làm cho vùng đầu bị chấn thương nghiêm trọng. Cách đội mũ bảo hiểm đúng cách đó là trước khi đội phải mở dây quai mũ sau đó mới đội lên đầu. Khi mở dây quai mũ sao cho hai bên dây quai nằm thẳng. Đặt mũ sao cho phần dưới mũ song song với chân mày và đảm bảo mũ không bị nghiêng hay lệch khi đội.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam hơn 33.000 người bị tử vong và thương tật do tai nạn giao thông. Trong đó, phần lớn số người tử vong là do chấn thương sọ não. Vì vậy, khi đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đúng cách sẽ hạn chế tối đa những chấn thương trên đầu, nhất là chấn thương sọ não khi tai nạn xảy ra. Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật, hơn nữa, hành động này đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điện khi tham gia giao thông.
Tại khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Người tham gia giao thông bằng xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về hành vi và mức phạt. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp hai người đi trên xe tham gia giao thông, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm và chở thêm một người khác không đội mũ bảo hiểm thì cả hai người đều bị xử phạt với ba hành vi vi phạm: Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định; Người điều khiển xe máy chở người trên xe không đội mũ bảo hiểm; Người được chở đi kèm người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Kiều Khánh
Bình luận (0)