Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

An toàn công trình xây dựng: Cứ thanh tra là có sai phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tháng 6 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động TP.HCM và một số sở ngành có liên quan đã tiến hành thực hiện thanh tra chuyên đề an toàn ở công trình xây dựng tại 16 công trình. Qua đó cho thấy, thanh tra tới đâu sai tới đó…

Nhiều công trình không có lưới bao bọc xung quanh chống rơi vật liệu xây dựng 

Ông Nguyễn Quang Khải, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành về an toàn công trình xây dựng, cho biết: Hiện một số công trình, công nhân vẫn làm theo kinh nghiệm là chính, không tuân thủ các quy định về an toàn xây dựng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn lao động ở lĩnh vực xây dựng ngày một tăng (chiếm 2/3 số vụ tai nạn lao động). Hành vi sai phạm nhiều nhất tại các công trình là lắp đặt giàn giáo cẩu thả, không có mái, lưới bao bọc xung quanh để chống rơi vật liệu, công nhân làm việc bên ngoài khu vực trống, chênh vênh nhưng không có dây đai an toàn, cẩu tháp cũ, người vận hành không có chứng chỉ, thi công điện thiếu an toàn… 

Công nhân đánh đu tính mạng trên các công trình

Thanh tra tại công trình cao ốc 117-117A Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), đoàn thanh tra có kết luận mặc dù đơn vị thi công, nhà thầu đã có nhiều giải pháp thực hiện an toàn xây dựng, song vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm. Cụ thể là công trình này không có lưới bảo vệ (chống rơi vãi vật liệu), công nhân làm việc tại các mép sàn nhưng không có dây đeo bảo hộ, công nhân đứng trên sườn giàn giáo chứ không có mâm sắt hoặc gỗ…

Tình trạng công nhân thi công ở mép sàn nhưng không được trang bị dây an toàn cũng diễn ra khá phổ biến tại công trình thi công Bệnh viện Nhi đồng (huyện Bình Chánh). Tại đây, khi đoàn thanh tra đến mới báo hiệu cho công nhân sử dụng bảo hộ, phương tiện cá nhân.

Anh Nguyễn Văn Hải, một cai thầu xây dựng tại TP.HCM cho biết, thực tế không chỉ nhà thầu mà cả đơn vị thi công và lao động cũng phớt lờ các quy định của Nhà nước để tiết kiệm chi phí. “Nhà thầu nào cũng có trang bị khá đầy đủ, tuy nhiên công nhân vẫn chưa quen mang dụng cụ bảo hộ, ngại vướng víu khi leo trèo nên chỉ sử dụng khi có đoàn thanh tra đến. Một số đơn vị thực hiện kê khai chi phí khá lớn cho an toàn lao động nhưng thực tế không có”, anh Hải thông tin.

Vi phạm về an toàn xây dựng còn xảy ra nhiều trong sử dụng điện tại công trình. Theo đó, việc hàn nối sắt thép, vận hành máy trộn, câu nối điện máy bơm, máy tời… một cách tạm bợ. Thời gian gần đây, số vụ tai nạn lao động ở lĩnh vực xây dựng chiếm đến 2/3 số vụ tai nạn lao động, trong đó nhiều nhất là tai nạn sập giàn giáo và rò rỉ điện. Ông Khải cũng thông tin, hầu hết các công trình sử dụng những thiết bị đấu nối cũ kỹ, cắm trực tiếp dễ xảy ra chập điện, cháy nổ. “Tai nạn chết người thường gặp gần đây ở các công trình xây dựng nữa là do máy trộn bê tông rò rỉ điện khi vận hành. Với các công trình nhỏ, máy trộn thuê mướn từ bên ngoài không đảm bảo an toàn”, ông Khải cho biết.

Tăng ca nhưng không lương

Theo đoàn thanh tra, một sai phạm khá phổ biến nữa tại các công trình xây dựng là việc ký kết hợp đồng lao động còn hạn chế. Một số nơi ký hợp đồng lao động với công nhân theo kiểu đối phó, theo đó trên hợp đồng không thể hiện mức lương, thời gian làm việc. Điều đáng nói là hồ sơ lao động không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng tình trạng sức khỏe thì hoàn toàn giống nhau, chỉ khác tên tuổi, quê quán… 

Khi được hỏi về công tác huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, đơn vị sử dụng lao động khẳng định “thường xuyên” nhưng hỏi huấn luyện những gì, như thế nào thì công nhân lắc đầu không biết.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: Qua kiểm tra phát hiện một số đơn vị sử dụng lao động làm đêm cho kịp tiến độ nhưng không tính thù lao thêm giờ. Thời gian tới sẽ tiếp tục thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm của các đơn vị xây dựng, nhằm kéo giảm tai nạn lao động ở lĩnh vực xây dựng xuống mức thấp nhất.

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)