Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

An toàn đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học mới đã đến, bên cạnh việc chuẩn bị cặp sách, quần áo, đồ dùng học tập cho con, nhiều phụ huynh còn để ý đến việc sắm mới mũ bảo hiểm (MBH), dạy con cách đi đến trường an toàn. Vì theo họ, chú trọng về ATGT cho con chính là cách giúp bé các kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn lưu thông đến trường khi không có người lớn bên cạnh.

Hành trang cho con

Một tuần trước khi bắt đầu năm học mới, chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã đưa con gái Sona đi mua một chiếc MBH mới màu hồng bé thích. Chiếc MBH cũ dù vẫn còn đẹp, nhưng Sona đã đem cho bạn Hạnh ở gần nhà để bạn có MBH đi học, vì hôm nọ nghe mẹ kể rằng khi mẹ qua chơi thấy vẻ mặt của Hạnh đang buồn xo vì chiếc MBH cũ đã đứt quai. Chị Ánh cho biết, con gái chị năm nay lên lớp 5 nhưng vẫn thích mua MBH mới mỗi khi vào năm học mới. Chị chiều theo ý con vì nghĩ rằng: “MBH mới cũng giống như cặp mới, tập sách mới… Tôi muốn con cũng yêu thích chiếc mũ mới và ý thức rằng chiếc MBH cũng là “hành trang” để con đến trường an toàn mỗi ngày, nó cũng cần thiết và quan trọng như các đồ dùng học tập khác”.

Theo quan niệm của chị Ánh, việc tập thói quen tốt về ATGT cho con là điều cần làm từ khi con đang còn trong độ tuổi tiểu học. Và đến khi vào tuổi THCS, chị lại rèn cho con tính tự lập mỗi khi tới trường. Như trường hợp của cậu con trai lớn, khi con vào học lớp 6, chị đã tập cho con tự đến trường bằng xe buýt. Chị kể rằng để giúp con khỏi bỡ ngỡ, trước khi nhập học 2 tuần, chị đã cùng con thử đến trường bằng xe buýt, chị cẩn trọng dạy con đi bộ trên lề đường khi đi đến nhà chờ xe buýt, từ nhà chờ xe buýt đến trường và ngược lại. Chị cũng dặn hờ những gì con phải làm khi gặp sự cố lỡ chuyến xe hay lên xe trong cảnh chen chúc đông người.

Khuyến khích trẻ đội MBH khi đi bộ là việc cần làm trong khi TNGT bộ hành đang có chiều hướng gia tăng

Cũng chu đáo như chị Ánh, chị Phạm Thị Mỹ Linh vẫn thường xuyên tập cho con gái cách đi bộ qua đường an toàn vì từ nhà chị đến trường chỉ khoảng 1km. Năm nay con gái Hoàng Phạm Linh Đan tuy là học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) nhưng đã rất rành cách đi bộ qua đường và có khi còn nhắc người lớn “khi qua đường phải đi vào vạch dành cho người đi bộ thì mới an toàn”. Để đảm bảo an toàn cho con mỗi khi đi học, hàng ngày chị Linh vẫn đồng hành cùng con đến trường, thường xuyên nhắc con khi qua đường phải quan sát chiều xe chạy để tránh không bị va quẹt, mỗi lần lưu thông bằng xe máy chị lại nhắc con phải đội MBH.

Dạy trẻ từ mô hình đến thực tế

Đó là lời khuyên của nhà chức trách và các chuyên gia giao thông. Việc đó nên bắt đầu từ khi trẻ lên 5 tuổi, vì ở tuổi này, trẻ có thể tự đi bộ ngoài đường. Lúc này cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng, nếu không cẩn thận bé có thể bị xe đụng, có thể bị đau, chảy máu, nặng hơn là gãy xương không thể đi chơi được. Tuy nhiên, cha mẹ cần khéo léo giúp trẻ cảm nhận các tình huống xấu một cách vừa phải, tránh việc làm cho trẻ quá sợ hãi đến nỗi không dám ra đường.

Để việc giáo dục trẻ về ATGT một cách đơn giản mà khoa học, các chuyên gia khuyên cha mẹ trước tiên nên cho trẻ tiếp cận với các mô hình giao thông, hình ảnh về tham gia giao thông sẽ dễ thu hút trẻ. Qua đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho con những điều cơ bản như đèn tín hiệu giao thông, phần đường dành cho xe máy, lề đường dành cho người đi bộ, địa điểm bố trí vạch sang đường an toàn…

Sau khi trẻ được học hỏi bằng mô hình, phụ huynh nên đưa trẻ ra đường và hỏi trẻ những gì đã được hướng dẫn ở nhà như đâu là vỉa hè, phần đường cho người đi bộ, chỗ nào thì trẻ có thể sang đường, sang đường khi đèn giao thông màu gì… Điều quan trọng nữa là trẻ cần được học cách quan sát mật độ xe cộ lưu thông, cách nhận biết tiếng còi xe để biết cách ứng phó như đi sát vào lề đường bên phải để tránh bị va quẹt, chỉ sang đường khi vắng xe, giơ một tay lên cao để báo hiệu xin đường. Tốt nhất, hãy khuyên trẻ nên sang đường theo nhóm hoặc đi cùng với người lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh nên cùng con thực hành, chẳng hạn như cùng con sang đường nhiều lần, sau đó để trẻ tự sang một mình cho trẻ dần quen.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bên cạnh việc trang bị những kỹ năng đến trường cần thiết, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, lưy ý việc tập thói quen đội MBH cho trẻ là tối quan trọng. Ông khẳng định đội MBH là một biện pháp hiệu quả đối với tất cả các lứa tuổi từ nhỏ đến lớn, vì đội MBH sẽ giúp giảm 85% chấn thương đầu, phòng chống các thương tích đầu và mặt trong nhiều hoạt động bao gồm các hoạt động thể thao, đi lại bằng phương tiện xe máy hoặc xe đạp, khi va chạm với vật cứng trên đường hoặc với các phương tiện cơ giới khác.

 

Bình luận (0)