Giáo dục an toàn giao thông (ATGT) là một hoạt động giáo dục thiết thực và cần thiết, giúp học sinh có những kiến thức tối thiểu, kĩ năng cơ bản và hành vi thái độ đúng đắn, khi tìm hiểu học tập về Luật giao thông. Chính những hiểu biết của học sinh đã tác động không nhỏ vào việc chấp hành giao thông của đa số phụ huynh khi tham gia lưu thông trên đường.
Ý thức và trách nhiệm cộng đồng
Trong năm học 2007-2008, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai kế hoạch thực hiện một số hoạt động trong công tác giáo dục TT ATGT đối với học sinh cấp tiểu học nói riêng và các ngành học thuộc Sở quản lý nói chung. Căn cứ theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cùng những chỉ thị của UBNDTP, vừa qua tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận 4, Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch thực hiện ATGT cấp tiểu học. Có những bài tham luận của đơn vị, cụm báo cáo tại hội nghị. Theo báo cáo, trong thời gian qua công tác giáo dục ATGT ngày càng được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Đội ngũ CB quản lý, giáo viên gương mẫu chấp hành khi tham gia giao thông biết kết hợp hoạt động giáo dục ATGT với việc xây dựng trường học có đời sống văn hóa, an toàn công sở, văn minh – sạch đẹp để thực hiện “Nếp sống văn minh đô thị”. Học sinh hiểu được một số điều cơ bản của Luật giao thông, thông qua các hoạt động vui chơi, bài hát, câu đố…Tuy nhiên vẫn còn những việc chưa làm được như việc giáo dục ATGT chưa được thực hiện “mọi lúc, mọi nơi”. Sự kết hợp giữa “tai nghe- mắt thấy” chưa đi đôi với nhau, vì giữa lý thuyết được giáo dục và thực tế diễn ra trong đời sống còn nhiều điều mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau. Qua một năm thực hiện đã cho kết quả rất khả quan, nhất là phụ huynh khi đưa đón con em mình đã chấp hành tốt Luật giao thông cũng như những quy định của nhà trường, giữ cho cổng trường thông thoáng, sạch đẹp. Tuy nhiên vẫn còn một số ít phụ huynh không ủng hộ, chấp hành ATGT, mà còn có thái độ, hành vi rất đáng chê trách và cần phải lên án như vợ chồng ông Nguyễn Văn Đặng là một trường hợp điển hình. Họ đã gây rối mất an ninh trật tự tại Trường THCS Lê Lai, quận 8, làm ảnh hưởng tới uy tín, thân thể và nhân phẩm của thầy Ngô Đức Bình hiệu trưởng nhà trường. Để thực hiện đúng quy định của Bộ, Sở GD-ĐT với mong muốn mỗi khi tan học ra về các em học sinh không phải chịu cảnh kẹt đường, kẹt xe ngay từ trong trường học mình.
Những điều làm được
Tại hội nghị chúng tôi đã gặp anh Trương Đình Du là Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Trưng Trắc, quận 11. Anh chia sẻ: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT và quận, nhà trường đã phát động phong trào ATGT trong toàn trường vào ngày khai giảng năm học mới. Mỗi thầy cô giáo nhà trường phải là tấm gương thực hiện tốt Luật giao thông, lồng ghép những phương pháp giảng dạy về ATGT cho học sinh một cách năng động thiết thực, dễ học, dễ hiểu. Qua bài giảng của các thầy cô các em đã hiểu được một số luật giao thông cơ bản, như khi cùng cha mẹ lưu thông trên đường thì phải đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe đúng tín hiệu đèn giao thông. Ngoài ra, nhà trường còn kết hợp với chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ khi học sinh tan học ra về. Sắp xếp để phụ huynh khi đến đón con đậu xe trên vỉa hè và trong sân trường thoáng rộng không gây ách tắc giao thông cho người và phương tiện đang lưu thông trên đường. Trường tiểu học Vĩnh Hội, quận 4 thì có cách làm dựa trên những thuận lợi về điều kiện địa lý của trường mình. Cô Trương Thị Minh Nguyệt hiệu trưởng cho biết: “Trường tôi do nằm trong hẻm, có thuận lợi là không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường phố, nhưng không vì thế mà nhà trường chủ quan trong giáo dục về ATGT cho học sinh. Vào ngày thứ hai đầu tuần chúng tôi phổ biến luật ATGT tới giáo viên và học sinh, có những tiết mục múa rối, văn nghệ về chủ đề ATGT, kết hợp với việc động viên khuyến khích những cá nhân, tập thể thực hiện tốt luật ATGT. Tuy nhiên không phải HS và PH nào cũng thực hiện tốt, vì vậy chúng tôi phải nhắc nhở kết hợp mời PH đó gặp BGH để trao đổi những công việc, kế hoạch về ATGT của nhà trường. Kết quả đạt được rất đáng khen ngợi khi vào năm học mới 2008-2009, 100% PH và HS đều đội nón bảo hiểm khi đến trường, không gây ra cảnh chen lấn, giành chỗ đứng đón con. Qua những việc làm được, chúng tôi đúc kết được rất nhiều bài học quý, vì ngoài nhân tố gia đình, để làm chuyển biến nhận thức của học sinh về ATGT vai trò của nhà trường là hết sức quan trọng. Bởi vì đây là môi trường rất thuận lợi để học sinh có thể thu nhận những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và về vấn đề ATGT nói riêng. Do đó việc giáo dục ATGT trong trường tiểu học nhằm hình thành và nâng cao ý thức tuân thủ, đảm bảo ATGT của học sinh, giáo viên và phụ huynh là một việc làm thiết thực đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)