Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

An toàn ô tô chưa được đề cao

Tạp Chí Giáo Dục

Nhu cầu sử dụng xe ô tô ngày càng gia tăng, tuy nhiên sự quan tâm của người sử dụng về mức độ an toàn của xe còn thấp cũng như đa số các xe chưa được đánh giá mức độ an toàn.

Nhiều xe có phanh rời rạc, không còn ăn khi đổ dốc, điều này hết sức nguy hiểm cho con người trong quá trình lưu thông (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thông tin này được đề cập trong hội thảo “An toàn ô tô khối ASEAN” vừa diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Tai nạn không hẳn do ý thức kém

Ông Võ Quang Huệ, đại diện Công ty Bosch Việt Nam chia sẻ, đối với bất kỳ loại phương tiện giao thông nào cũng có thời gian sử dụng đòi hỏi người dùng phải luôn tham gia kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhưng không phải ai cũng tuân thủ. Có những xe đến kiểm tra thì các bộ phận không đạt yêu cầu như phanh rời rạc, không còn ăn khi đổ dốc, điều này hết sức nguy hiểm cho con người trong quá trình lưu thông.

Trước những nguyên nhân gây tai nạn, nhiều người cho rằng, các kết luận thường “đổ lỗi” do ý thức người điều khiển mà chưa có sự đánh giá cụ thể ở nhiều mặt như lỗi kỹ thuật, mức độ an toàn của phương tiện hay kết cấu hạ tầng giao thông…

Theo Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thị trường xe ô tô ở Việt Nam khá hỗn loạn với nhiều kiểu loại. Theo đó, sự quan tâm của người sử dụng về mức độ an toàn của xe còn thấp cũng như đa số các xe chưa được đánh giá mức độ an toàn.

Còn theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT, hàng năm một số hãng xe phải triệu hồi sản phẩm để khắc phục các lỗi sai sót. Ở Việt Nam, tình trạng này còn mới mẻ nhưng cũng vừa xảy ra ở một hãng xe danh tiếng với một lượng lớn phương tiện bị triệu hồi. Điều này cho thấy, lượng xe khi đã đưa đến tay người tiêu dùng gặp lỗi kỹ thuật là không nhỏ. Chưa kể một lượng lớn xe nhập lậu không được kiểm định chất lượng.

Ông Đạt cho biết: “Năm 2015, Việt Nam xuất xưởng gần 250.000 chiếc ô tô, con số này không cao so với dân số hơn 90 triệu người. Và so với xe máy, cả nước có hơn 46 triệu xe thì ô tô chỉ có hơn 2 triệu 200 xe. Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu sử dụng xe ô tô ở nước ta đang ngày một tăng lên. Kéo theo đó, các vụ tai nạn giao thông ô tô có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các đường cao tốc, còn tại quốc lộ có chiều hướng giảm. Thời điểm xảy ra tai nạn thường tập trung vào các buổi trưa, chiều, tối, phần lớn do thanh niên điều khiển”.

Chứng nhận quy chuẩn còn nhiều bất cập

Hiện tại, 4 quy chuẩn bắt buộc ô tô ở Việt Nam phải chứng nhận trước tiên đó là gương, lốp, đèn, kính. Những thiết bị này hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho xe, người điều khiển cũng như hành khách.

Theo thống kê của các đơn vị chức năng, tỷ lệ tai nạn giao thông ở xe ô tô chiếm khoảng 5% mỗi năm, còn lại đa số tai nạn thuộc về xe gắn máy trên 90%. Nguyên nhân tai nạn được cho là xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện chấp hành Luật ATGT chưa cao như chạy quá tốc độ, sai làn đường, say rượu bia hoặc chưa thực sự quan tâm đến kiểm tra, bảo dưỡng xe.

Ông Nguyễn Văn Phương, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, quy trình chứng nhận quy chuẩn của Việt Nam đang làm từng bước, dựa theo chuẩn châu Âu, song việc chứng nhận quy chuẩn lại gặp không ít bất cập. Về mặt nội dung kỹ thuật, Việt Nam chưa thể làm hoàn toàn giống châu Âu vì hạn chế về trình độ sản xuất, doanh số. Chỉ tính riêng những thử nghiệm va chạm trong quy chuẩn với giá cả rất đắt đã vượt ngoài khả năng. Hoặc muốn đưa về một chuẩn nhưng chưa thể làm được vì ô tô ở nước ta đa số là xe chuyên dụng, đa dạng kiểu loại, kích cỡ. Thậm chí, Cục Đăng kiểm cũng chưa giải thích được lí do vì sao, các linh kiện như gương, kính khi doanh nghiệp nhập khẩu về nước thì không hề giống với các loại gương, kính mà các hãng nước ngoài sử dụng.

Để giải bài toán đảm bảo an toàn cho xe, người lái và hành khách, ông Vũ Khôi, đại diện Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc cho hay, ngành giao thông nên quy định, xử phạt nghiêm ngặt về tốc độ xe, thời gian lái xe, kiểm tra bảo dưỡng định kỳ. Hiện nhiều xe sử dụng với tần suất 24/24 khiến các bộ phận máy móc nhanh xuống cấp, hư hỏng mà không được kiểm tra bảo dưỡng, bản thân người lái xe liên tục nhiều giờ dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ. Tất cả tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn.

Ngoài ra, các xe ô tô cần phải được chú trọng đến “an toàn chủ động”. Tức các thiết kế kính, gương phải đảm bảo tầm nhìn của tài xế. Xe cần trang bị hệ thống cảnh báo vượt quá tốc độ, buồn ngủ; hệ thống hỗ trợ lên dốc, đổ đèo; thiết kế hấp thu năng lượng, giảm tổn thương khi va chạm. Đối với các xe khách cần trang bị hệ thống cửa tự động để kịp xử lý khẩn cấp nếu gặp sự cố, phải trang bị dây cài an toàn cho cả tài xế lẫn hành khách.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)