Quản lý chặt các cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ ăn thức uống, xử phạt kịp thời các vụ vi phạm an toàn thực phẩm, hạn chế mức thấp nhất các vụ ngộ độc, làm tốt công tác hậu kiểm tra vệ sinh thực phẩm, nhiều chiến dịch chống thực phẩm bẩn được ra quân… là những nỗ lực lớn lao của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2018 tại các địa phương cũng như TP.HCM.
Người tiêu dùng nên chọn mua các thực phẩm đảm bảo vệ sinh và tẩy chay các loại “thực phẩm bẩn” |
Nhiều cơ sở bị phát hiện
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp của Ban chỉ đạo liên ngành TW về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2018 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Có 15.707 đã bị xử lý trong đó phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.
Tháng 5-2018, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành TW về vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất giò chả có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là Công ty TNHH Hiền Khánh (đường 17, KP.3, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) mặc dù mỗi ngày xuất xưởng gần 700kg giò chả thành phẩm nhưng cơ sở không đưa ra được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu như thịt heo, bột mỳ, gia vị các loại… Các dụng cụ và nơi sản xuất dơ bẩn, cũ kỹ không đảm bảo vệ sinh. Một cơ sở chế biến thực phẩm khác ở gần đó trên đường Kha Vạn Cân (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cũng bị đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm giò chả, pa-tê vừa xuất xưởng nhưng không hề có bao bì nhãn mác. Riêng các loại giấy tờ kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm cũng đã hết hạn sử dụng.
Gần đây nhất là vụ vi phạm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Lotte Cinema tại một trung tâm thương mại ở Q.7. Ngày 11-7-2018 công ty đã bị Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM xử phạt hơn 26 triệu đồng. Trước đó vào ngày 3-7, đoàn công tác đã phát hiện công ty sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn 3 tháng.
Cả nước giảm 27 vụ ngộ độc
Theo thống kê, cả nước đã giảm được 27 vụ ngộ độc, giảm 35,3% số người mắc và số người tử vong giảm 6 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau 1 năm thành lập, tuy còn có những khó khăn bước đầu nhưng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã vào cuộc một cách quyết liệt để làm tốt phần việc mới mẻ của mình. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Ban quản lý, đề án nhận diện quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo và các mặt hàng khác càng ngày càng phát huy tác dụng rõ rệt nhất là khi có sự bắt tay với các tỉnh thành lân cận nhằm khống chế mức thấp nhất tình trạng nguồn thực phẩm tươi sống trôi nổi, không có nguồn gốc đem lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giữa mảng màu tươi sáng của bức tranh vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn những mảng màu tối mà không phải đã được giải quyết được thấu đáo. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn đương đầu đối diện với nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ nhân sự, kinh phí thực hiện, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, chế biến hàng ăn lưu động tự phát nên rất khó kiểm soát. Dù đã được nhắc nhở tuyên truyền nhưng hầu hết vẫn chạy theo lợi nhuận nên bất chấp mọi thủ đoạn, bỏ qua tất cả để sản xuất và cung cấp thực phẩm không an toàn. Dù có nhiều chiến dịch ra quân tẩy chay thực phẩm bẩn nhưng phía người tiêu dùng vẫn chưa thấy tác hại trước mắt, ham rẻ thích tiện lợi nên đã vô tình tiếp tay cho các cơ sở sản xuất vi phạm. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi phải làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn để người dân thấy sự nguy hại của các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm. Thế nên trước mắt cần vẫn nhiều hơn nữa công tác giáo dục phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách phối hợp với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh truyền hình, các trang web nội bộ… nâng cao hơn nữa ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe không chỉ cho cả cộng đồng mà còn cho cả chính bản thân và gia đình mình.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Bình luận (0)