Sẽ có 100 cuộc kiểm tra việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong sử dụng cần cẩu tháp. Trong ảnh: Công trình xây dựng nhà ở trên đường Nguyễn Văn Của, Q.6 |
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, từ đầu năm 2016 đến nay, tại TP.HCM đã xảy ra 19 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 17 vụ trong lĩnh vực xây dựng. Bài học lớn của cả các nhà thầu và cơ quan quản lý hoạt động xây dựng là vụ sập giàn giáo tại một công trình ở Q.7 mới đây khiến 8 người chết và bị thương.
Nhức nhối TNLĐ
Là thợ hồ hơn mười năm nay, anh Nguyễn Minh Trí từng chứng kiến nhiều vụ TNLĐ tại các công trình nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Buổi sáng kinh hoàng đầu tháng 5-2011 đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với anh Trí. Anh nhớ lại: “Chỉ sau 30 phút nhóm thợ lên giàn ở tầng 3 của công trình tại Dĩ An thì nghe tiếng rầm. Nhìn qua thì thấy giàn giáo đổ nhào, công nhân nằm bê bết dưới đống cừ bê tông. Vụ tai nạn đã khiến 6 người chết và bị thương.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ hồ tại một công trình nhà ở trên đường Huỳnh Tấn Phát (P.Tân Thuận Đông, Q.7) cho biết: Không ít ông chủ thầu bắt phụ nữ leo giàn giáo như đàn ông thanh niên. Với công việc đó, đồng lương đó, ai không đồng ý thì tìm chỗ khác làm. Vì cuộc sống khó khăn, dù công việc quá sức nhưng ai cũng cố bám trụ, đó là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.
Từ các vụ TNLĐ xảy ra trong thời gian qua, không thể phủ nhận cơ quan chức năng vẫn còn lơ là trong việc kiểm tra chấp hành quy chuẩn an toàn, sử dụng lao động tại các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn.
Ông Đặng Văn Khánh – kỹ sư xây dựng Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Nhà ở Vạn Phát Hưng, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương – khẳng định: Mang tiếng là “kỷ luật thép” nhưng ở những công trình này thường xuyên xảy ra TNLĐ. Bởi, “Chủ đầu tư hô hào an toàn lao động một cách hình thức. Còn thực tế thì tiết kiệm chi phí đầu tư trang bị, sử dụng lao động chưa có nhiều kinh nghiệm…”, ông Khánh nói.
Nguyên nhân TNLĐ theo ông Khánh là do quy trình, biện pháp làm việc của đơn vị thi công chưa khoa học; thiếu rào chắn, phương tiện bảo hộ lao động.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nổi cộm là chất lượng công trình thấp dẫn đến sự cố sập, đổ… Cùng với đó là sự chủ quan của một bộ phận công nhân. Họ không tuân thủ nội quy công trình, quy chuẩn an toàn lao động dẫn đến tai nạn.
“Uống nhiều bia rượu, ngủ không đủ giấc, bụng đói… cũng là những nguyên nhân làm tăng và hạ huyết áp khiến người lao động hoa mắt, té ngã từ trên cao”, bác sĩ Lê Văn Hòa – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Q.Bình Thạnh – cho biết.
Cần xử nghiêm vi phạm an toàn xây dựng
Để giải quyết tình trạng nhức nhối này, Sở LĐ-TB&XH TP, LĐLĐ TP, Sở Xây dựng TP.HCM… phối hợp thực hiện chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn”. Theo ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – thì: Sẽ có 100 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động và 100 cuộc kiểm tra việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong sử dụng cần cẩu tháp. Từ các sai sót được phát hiện, sẽ kiến nghị biện pháp khắc phục. Đây cũng là chiến dịch thay đổi nhận thức, hành vi của người lao động và người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Luật sư Nguyễn Thành Phan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Trong những năm qua, số vụ TNLĐ tại các công trình xây dựng ngày càng tăng nhưng rất ít vụ bị xử lý hình sự. Bởi, số vụ cơ quan chức năng biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều vụ nhà thầu che giấu được do có thỏa thuận đền bù bằng tiền với người nhà nạn nhân, xử lý thông tin khá “gọn”. Điều đau lòng là không ít trường hợp bị tai nạn dẫn đến mất sức lao động nhưng không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào, vì lỗi được xác định thuộc về người lao động.
Về vấn đề đền bù cho người bị TNLĐ, riêng vụ sập giàn giáo ở Dĩ An, Bình Dương mà anh Trí chứng kiến thì “mỗi một công nhân bị chết được nhà thầu thỏa thuận bồi thường từ 60-100 triệu đồng, tai nạn mất sức lao động là 30-40 triệu đồng kèm theo thẻ BHYT”, anh Trí cho biết. Vì người lao động ở những công trình xây dựng này phần lớn là người nghèo, số tiền trên với gia đình họ là rất lớn nên gia đình nạn nhân cũng chẳng muốn làm to chuyện. Và đấy chính là lý do số vụ TNLĐ mà cơ quan chức năng có được chỉ như phần nổi của tảng băng chìm so với số vụ thực tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tổng rà soát và nhìn nhận lại an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)