Ảnh: Blogcdn.com. |
Bị sốt mà ăn trứng gà sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên nhưng lại không phát tán ra ngoài được, làm bệnh càng nặng hơn. Người vừa ốm dậy hay bị tiêu chảy hoặc có sỏi mật… cũng cần thận trọng với món này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Hưng (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), mặc dù trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng nếu chế biến và ăn không đúng cách, chẳng những không tác dụng mà còn gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Nhất là với những người đang có bệnh, ăn trứng tuỳ tiện rất dễ bị trúng độc thực phẩm hoặc làm bệnh biến chứng nặng hơn:
– Người đang cảm sốt hoặc vừa mới khỏi bệnh: bị sốt mà ăn trứng gà sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên nhưng lại không phát tán ra ngoài được, giống như “thêm dầu vào lửa”, bệnh càng nặng hơn. Với người vừa khỏi bệnh, sức đề kháng của cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn nên cũng cần tránh ăn trứng tươi, luộc vừa chín tới… vì trong thành phần có thể có nhiều vi khuẩn salmonella, dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
– Bị tiêu chảy: khi bị tiêu chảy, việc chuyển hoá các chất mỡ, đạm (có nhiều trong trứng gà) và đường bị rối loạn. Nếu không để đường ruột nghỉ ngơi thì không những làm mất tác dụng bồi bổ mà ngược lại còn làm cho bệnh nặng thêm.
– Mật có sỏi: nếu dùng thức ăn có nhiều chất đạm như trứng gà, đường ruột tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, bắt túi mật đang bị bệnh phải làm việc quá tải, gây đau đớn, nôn mửa…
– Trẻ nhỏ dưới một tuổi: có không ít trường hợp trẻ bị dị ứng ngay sau khi ăn trứng gà, đặc biệt đối với trẻ từ sáu tháng tuổi khi bắt đầu ăn giặm. Vì vậy, chỉ nên bổ sung trứng vào khẩu phần ăn của trẻ khi trẻ đã được hơn một tuổi.
Ngoài ra, những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch… cũng nên kiêng hoặc không ăn quá nhiều trứng gà vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ăn trứng gà sao cho khỏe
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, hiện vẫn chưa có một “chuẩn” thống nhất một người nên ăn bao nhiêu trứng gà thì an toàn. Theo tổ chức Tim mạch Anh, không nên ăn quá bốn trứng trong một tuần, còn theo tổ chức Y tế thế giới, không nên ăn quá mười trứng trong một tuần.
“Tốt nhất nên dùng trong các mức trên, với người lớn tuổi nên ăn tối đa năm quả trứng/tuần, còn đối với thanh niên thì tối đa là bảy quả/tuần. Những người dễ bị dị ứng nên tham khảo bác sĩ vì trứng là chất gây dị ứng khá mạnh”, bà Lan lưu ý. Lòng đỏ trứng tuy chứa nhiều cholesterone nhưng không đáng lo ngại nhiều vì trong lòng đỏ rất giàu chất choline nhằm tăng vận chuyển điều tiết lượng cholesterone trong máu và chất béo.
Cũng theo bà Lan, trên bề mặt vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti nên không khí và vi khuẩn có thể xâm nhập. Vì vậy mọi người không nên ăn trứng sống dù bất kỳ hình thức nào. “Ngay cả cách ăn hoà tan trứng sống trong nước nóng, cháo nóng cũng không nên vì dễ trúng độc mà cần luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn…”
Trong lòng trắng trứng sống còn chứa một loại chất chống chất biotin (vitamin H), làm ngăn ngừa sự hấp thu vitamin H (là yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Nếu thiếu sẽ gây viêm lưỡi, đau cơ bắp, mất ngủ, buồn nôn, giảm hồng cầu…). Vì vậy an toàn nhất là nấu sôi trứng trong bảy phút khi luộc nguyên vỏ, còn khi hấp bằng cách đập bỏ vỏ thì nấu trong năm phút.
Trứng gà chiên hoặc ốpla dùng lửa to dễ gây ra tình trạng bên ngoài cháy vàng mà bên trong chưa chín, lúc đó lòng trắng trứng sẽ làm giảm sự hấp thu tiêu hoá, còn lòng đỏ nếu bị nhiễm vi khuẩn salmonella thì không được tiêu diệt triệt để. Ngoài ra nhiệt độ quá cao cũng sẽ tiêu huỷ các vitamin tan trong nước có trong trứng như vitamin B1, B2…
“Sau khi ăn trứng gà tốt nhất nên ăn những loại rau và hoa quả có chứa hàm lượng vitamin C phong phú để tăng sự hấp thu sắt, không nên uống nước trà sau khi ăn trứng gà vì chất tanin làm giảm sự hấp thu chất sắt, đạm, canxi”, bà Lan khuyên.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)