Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Án tử dành cho “nghịch tử”

Tạp Chí Giáo Dục

Giết hại chính cha đẻ của mình để rồi những nỗi đau cũng bắt đầu từ đó. Rất nhiều câu chuyện đau lòng về những vụ án con sát hại cha đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.

Bị cáo Huỳnh Thanh Nam trước tòa

Khi “ma men” và ma túy dẫn lối

Sau mỗi vụ án giết người được đưa ra ánh sáng là một lần dư luận lại bàng hoàng. Nhưng bi phẫn và đáng lên án hơn cả vẫn là những thảm án trong gia đình, mà cay đắng nhất là những vụ “nghịch tử” giết cha mẹ.

Vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm, giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo Huỳnh Thanh Nam (23 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn). 9-11-2015 là ngày định mệnh của gia đình bà Hà Thị Nga và ông Huỳnh Văn Thành. Sự tan tác, chia ly cũng bắt đầu từ đây. Không ai có thể ngờ Huỳnh Thanh Nam lại ra tay sát hại chính cha đẻ của mình là ông Huỳnh Văn Thành. Trong cơn say, Nam trở về nhà. Khi nhìn thấy con trai say xỉn, ông Thành có lên tiếng chửi mắng Nam nhưng Nam không nói gì mà vào phòng lấy ma túy ra sử dụng. Ông Thành vào phòng nhìn thấy con trai đang sử dụng ma túy, nên lên tiếng la mắng và có đánh vào tay Nam. Bực tức vì bị cha đánh, Nam xông vào đánh cha ruột của mình. Sẽ không có cái kết đau lòng như hôm nay nếu như họ biết kiềm chế. Tại phiên tòa, lời khai của Nam khiến người khác bàng hoàng vì mức độ gây án tàn ác của tên nghịch tử. Giọng ấp úng, bị cáo Nam khai nhận trước HĐXX: “Trong lúc đánh nhau với cha bị cáo, bị cáo có với tay nhặt được một cây kéo và đâm nhiều nhát vào đầu, bụng và vai của cha mình”.

Thấy hai cha con đánh nhau, bà Nga tri hô nhờ hàng xóm đến can ngăn. Nghe tiếng kêu la, hàng xóm xung quanh chạy đến can ngăn và đưa ông Thành đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng nên nạn nhân đã không qua khỏi. Nam đã bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay sau đó. Nam khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Đứng trước vành móng ngựa, Nam tỏ ra ân hận. Nỗi ân hận quá muộn màng. “Con cái không báo hiếu cho cha mẹ đã là người có tội, huống hồ chi người con ấy lại giết đấng sinh thành, đó không chỉ là tội lỗi, mà còn là tội ác không thể tha thứ”, chủ tọa không giấu được sự bức xúc trước hành vi tội ác mà Nam gây ra.

Đứng trước vành móng ngựa, Nam tỏ ra ân hận. Nỗi ân hận quá muộn màng. “Con cái không báo hiếu cho cha mẹ đã là người có tội, huống hồ chi người con ấy lại giết đấng sinh thành, đó không chỉ là tội lỗi, mà còn là tội ác không thể tha thứ”, chủ tọa không giấu được sự bức xúc trước hành vi tội ác mà Nam gây ra.

Những nỗi đau còn mãi

Bi kịch chồng bi kịch khi vợ Nam bỏ đi để lại đứa con thơ cho Nam chăm sóc. Tại phiên tòa, từng lời nói của bà Hồ Thị Nga ám ảnh nhiều người. Với tư cách là người bị hại, người phụ nữ khắc khổ ấy nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Hai vợ chồng tôi không có công việc ổn định, suốt ngày chỉ đi lượm ve chai sống qua ngày. Ông ấy lại nghiện rượu, sau khi say xỉn lại về đánh đập vợ con. Nam là con lớn trong nhà, từ nhỏ đã phải nghỉ học đi làm phụ gia đình”. Có lẽ, nỗi đau này sẽ theo bà đến suốt cuộc đời. Nam nhận án tử đồng nghĩa với việc những ngày tháng phía trước của bà và đứa cháu nhỏ sẽ càng mịt mù, tăm tối. “Tôi đã mất đi một người thân, tôi không muốn lại mất thêm một người nữa. Mong tòa khoan dung, cho Nam một lối thoát để Nam sớm được về nuôi con, đỡ đần cho tôi”, bà nói. Lời mong mỏi đó của bà đã không thể nào trở thành hiện thực khi tội ác của Nam mang tính chất côn đồ, không thể nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Tội ác nào rồi cũng phải trả giá nhưng tiếng nói cảnh báo từ những vụ án đau lòng như thế vẫn chưa đủ sức răn đe. Những giọt nước mắt muộn màng hay bất kỳ bản án nào cũng chẳng thể gột rửa hết tội lỗi của những đứa con đã vung tay giết hại đấng sinh thành ra mình. Bi kịch đẫm nước mắt trong gia đình bà Nga không phải ngoại lệ. Đâu đó giữa cuộc đời này, vẫn còn không ít những người cha thiếu trách nhiệm, là tấm gương xấu cho con. Nói trong niềm ân hận tột cùng, Nam cho biết: “Một phần bị cáo có hơi men, một phần vì thương mẹ suốt ngày bị cha đánh đập, chỉ một phút nóng giận không kiềm chế được bản thân mình đã cướp đi sinh mạng của đấng sinh thành”. Giá như ông Thành không chìm mãi trong những cơn say, không để Nam nhìn thấy những cảnh gây gổ của ông với vợ thì có lẽ đã không có án mạng đau lòng xảy ra. Họ đã biến vợ và con trở thành nạn nhân của chính mình, dẫu rằng hành động con giết cha là không thể chấp nhận.

Không nhận được sự quan tâm, giáo dục chu toàn của gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Trước khi là kẻ thủ ác, Nam đã không được sống trong không khí gia đình ấm áp yêu thương như những người con khác. Và đáng tiếc thay, Nam đã không thể tự chủ được mình để tìm một hướng giải thoát tốt hơn…

Bài, ảnh: Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)