Hệ thống hang Tú Làn nằm tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, vùng đất nổi tiếng với nhiều hệ thống hang động lớn và tuyệt đẹp như Thiên Đường, Sơn Đoòng, hang Én và hang Pygmy.
Hệ thống hang Tú Làn gồm khoảng 10 hang động, trong đó một số được phát hiện và khám phá lần đầu vào năm 1992, một số hang khác được tìm vào năm 2009 và mới được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2011.
Hang Ken
Hang Chuột
Hành trình 3 ngày 2 đêm đi khám phá và trải nghiệm hang Hung Ton, Kim, Tú Làn, Ken và Chuột của chúng tôi có tổng chiều dài khoảng 17km trong đó có đi 4km trong hang, bơi 1km trong hang (mỗi hang bơi 200-500m) và 2 đêm ngủ bên bờ suối trong rừng.
Để đến với hệ thống các hang này, chúng tôi đi qua sông Rào Nan, một thung lũng mộng mơ, khu rừng nguyên sinh cùng các dòng suối trong vắt chảy ra từ các ngọn núi. Chính vì vẻ đẹp này mà nhiều nhà làm phim như Kong: Đảo đầu lâu (2017) và Người bất tử (2018) đã chọn nơi đây làm bối cảnh phim.
Không giống như cung leo ở các đỉnh núi Tây Bắc thường dài và độ dốc lớn, khoảng cách từ điểm xuất phát đến khu vực các hang trong tour này không xa và không quá dốc nên những người luyện tập thể thao ở mức trung bình có thể đi được.
Tuy nhiên, trong 2 km đầu tiên của hành trình, những người ít tham gia các hoạt động leo núi nên đi chậm, uống nước làm nhiều lần và mặc áo chống nắng nhưng thoáng không khí để tránh bị mất nước và sốc nhiệt.
Tháng 7 thời tiết nắng nóng và khô nên trên đường đi không có vắt nhưng một số khu vực có nhiều muỗi và khả năng gặp rắn ra phơi nắng hoặc lột da rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi được yêu cầu không tự ý vượt lên trước người dẫn đường hay tách nhóm mà không thông báo cho các hướng dẫn viên.
Khám phá các hang này du khách sẽ ướt cả ngày do phải bơi trong hang nên quần áo mau khô và giầy leo núi nhưng mau thoát nước (không nên mang giầy chống nước vì khi ngâm trong nước giầy này sẽ rất nặng cho người đi) được khuyên dùng.
Hang Tú Làn
Điểm cắm trại bên cạnh dòng suối trước cửa hang Ken
Toàn bộ đồ của du khách sẽ được các nhân viên vận chuyển gùi trước vào điểm cắm trại, du khách đi người không hoặc đeo balo chống nước đựng các vật dụng cần thiết trong quá trình đi khám phá. Trước khi vào hang, du khách phải mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm có gắn đèn chiếu sáng và được đội ngũ các nhân viên hỗ trợ an toàn dẫn đường.
Các dòng sông ngầm trong hang có nhiều đá ngầm rất sắc nên mọi người được khuyên là thả lỏng người và chỉ khua nước nhẹ bằng tay chứ không dùng chân để bơi. Những ai không biết bơi, các nhân viên an toàn sẽ hỗ trợ kéo. Sông ngầm trong hang có đoạn sâu tới 10m, tuy nhiên nước trong hang mát chứ không lạnh như ở vùng núi phía Bắc. Nếu đi khám phá vào mùa đông, tôi nghĩ rằng nước sẽ khá lạnh.
Điểm nhấn của các hang trong hành trình này chính là hang Tú Làn với trần động hoành tráng với các thạch nhũ đẹp nhiều mầu sắc cùng các bãi thạch ngọc huyền bí.
Tuy nhiên, ấn tượng với đoàn chúng tôi nhất có lẽ là hang Ken, hang dài nhất của hệ thống hang Tú Làn, khi chúng tôi phải bơi nhiều nhất và cũng là nơi có khối thạch nhũ khổng lồ tuyệt đẹp mà một nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic đã dành 6 tiếng chỉ để chụp nó.
Anh Nguyễn Đông, người hướng dẫn của đoàn chúng tôi cho biết, người dân địa phương phát hiện ra các hang trên từ ngàn xưa khi đi rừng nhưng thường họ chỉ ở quanh miệng hang chứ không dám vào sâu vì sợ ma rừng hay thú dữ. Mãi tới gần đây, khi các chuyên gia thám hiểm hang động quốc tế với các trang thiết bị chuyên nghiệp vào nghiên cứu và khám phá, các hang trong khu vực này mới được biết đến nên các hang với hệ thống nhũ thạch có tuổi đời 3-5 triệu năm vẫn được giữ nguyên.
Thời gian tốt nhất để đi khám phá hệ thống hang Tú Làn là từ tháng 11 đến tháng 8 năm sau. Khoảng thời gian còn lại là mùa lũ, toàn bộ khu vực phía bên ngoài hệ thống hang Tú Làn và một số hang bị ngập.
Những năm trước chỉ có khoảng 20% là du khách người Việt đi khám phá và trải nghiệm hệ thống hang Tú Làn. Tuy nhiên, gần đây số lượng du khách người Việt tăng lên, chiếm khoảng 50% và đặc biết khi dịch covid xảy ra, du khách Việt chiếm tới 90% còn lại là các du khách người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam.
Đức Hùng (theo dantri)
Bình luận (0)