Một bệnh nhân bị triệu chứng TMN. Ảnh: T.L |
Thiếu máu não (TMN) là căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây ra tai biến mạch máu não, đột quỵ, nguy cơ gây tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Do đó việc điều trị bệnh này là hết sức quan trọng.
Đừng để não thiếu máu
Chị Lê Thị Hạnh (Mỏ Cày – Bến Tre) đang làm việc tại TP.HCM. Dịp lễ vừa rồi chị tự chạy xe máy về quê. Do ngày lễ, đường về miền Tây rất đông, kẹt xe kéo dài nên chị thấy chóng mặt, hoa mắt rồi rối loạn thăng bằng. Cầm cự về đến TP.Tân An thì chị té ngã. Người đi đường đã đưa chị vào cấp cứu tại BV Long An, BS chẩn đoán chị Hạnh bị TMN có nguy cơ đột quỵ nên sau đó được chuyển lên BV ĐH Y dược TP.HCM điều trị. Anh Phan Văn B. (Q.3 – TP.HCM) cho biết hai năm trở lại đây, anh bị TMN nên cứ mỗi khi ngồi lâu rồi đột ngột đứng dậy là anh thấy mọi thứ trước mắt tối dần lại và có cảm giác như sắp ngất xỉu. Những lúc bị như vậy, anh phải ngồi xuống hoặc đứng im bất động một lúc thì cơ thể mới bình thường trở lại được. Bên cạnh đó, anh còn có cảm giác như mọi thứ trước mắt bao phủ một màu vàng nhạt, nhiều khi còn không nhìn thấy rõ cái gì cả.
Có thể nói, não bộ chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng được cung cấp đến 15% khối lượng máu từ tim bóp ra, tiêu thụ 20% tổng lượng ôxy trong máu và sử dụng đến 25% lượng glucose để sinh năng lượng cung cấp cho các tế bào thần kinh hoạt động. Trong trường hợp não bị thiếu máu thì hoạt động thần kinh của não bộ bị suy giảm ngay. Sự cung cấp máu cho não rất phức tạp nên có rất nhiều nguyên nhân gây ra TMN, trong đó cũng có nguyên nhân do thiếu sắt, chức năng tạo máu của tủy kém hoặc thiếu các chất tạo máu. Người mắc bệnh TMN thường gặp các triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, tê tay chân, rối loạn thăng bằng, liệt nhẹ nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ tạm thời, kết mạc mắt có màu nhạt nên tầm nhìn bị mờ. TMN là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu có sự chuẩn bị thật sớm. Đừng để não thiếu máu nuôi dưỡng là một trong những vấn đề rất quan trọng nếu muốn có một sức khỏe hoàn hảo từ khi còn trẻ cho đến một tuổi già khỏe mạnh, minh mẫn.
Chế độ ăn uống khoa học rất quan trọng
Để có thể duy trì đầy đủ lượng máu lên não, cần tập luyện những phương pháp như đi bộ, khí công, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, luyện thở để cung cấp thêm dưỡng khí cho não cũng như toàn thân, thư giãn và thiền định để hóa giải stress. Khi dùng thuốc, nên chọn những loại thuốc có nguồn gốc từ dược thảo để làm tăng cường lưu lượng máu cũng như lượng ôxy lên não. Để điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân nên chú ý hơn đến việc cải thiện môi trường sống, giảm bớt gánh nặng về tinh thần, nghỉ ngơi đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị thích hợp do BS chuyên khoa chỉ định. Ngoài ra, nên có thói quen ăn uống thật khoa học để cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu như ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng protein, vitamin, sắt. Ăn thêm một lượng thích hợp các loại thịt, gan, trứng, sữa, vừng… Căn cứ vào nguyên nhân thiếu máu của từng người để lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng. Nếu thiếu máu do thiếu sắt có thể chọn các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao như huyết lợn, gan lợn, sò biển, đậu nành. Còn thiếu máu ác tính thì có thể chọn thực phẩm có vitamin như gan, trứng, thịt gà, các loại đậu, cà chua, quýt… Khi dùng món ăn có nhiều chất sắt thì không nên ăn cùng với các loại thực phẩm như rau dền, măng, trà đặc. Không ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn cứng khó tiêu hóa, nhiều chất béo. Không uống rượu, cà phê, trà đặc, hút thuốc…
ThS.BS Nguyễn Bá Thắng
(Khoa Thần kinh – BV ĐH Y dược TP.HCM)
Bình luận (0)