Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn uống hợp lý trong dịp Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên dự trữ thực phẩm dài ngày trong tủ lạnh. Ảnh: T.H
Tiêu thụ thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ kéo theo hệ lụy bệnh tật làm cho ngày Tết mất vui nếu phải uống thuốc và nhập viện.
Biết cách chọn thực phẩm an toàn
So với ngày thường, hàng hóa dịp Tết luôn phong phú về chủng loại và mẫu mã. Đây là dịp để cho người kinh doanh tìm cách “pha trộn” các mặt hàng kém chất lượng, quá đát để qua mặt người tiêu dùng.
Vì thế, bên cạnh những mặt hàng “chính ngạch” có rất nhiều loại hàng hóa tồn kho mất phẩm chất được tung ra thị trường để đáp ứng đủ sức mua trong dịp Tết Nguyên đán. Các loại bánh mứt kẹo nhiều tháng nằm ứ đọng trong kho nay có cơ hội đưa lên sạp để chào mời khách hàng. Những ngày thường, các bà nội trợ thường cân nhắc khi mua thực phẩm, nhưng vào dịp Tết tâm lý gặp gì mua nấy nên dù hàng cũ hay hàng mới đều được lưu thông trót lọt. Chính vì thế, không ít bà nội trợ dù bỏ ra một số tiền nhiều hơn nhưng đôi khi lại mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Vì thế, nếu không biết “cân đong đo đếm” chúng ta dễ bị sa vào “cơn khát” mua sắm mà không có điểm dừng. Đến lúc đó, không phải do nhu cầu mà người mua lại chạy theo sở thích, thấy gì mua nấy dù có thể không dùng đến. Tâm lý chung là sợ thiếu hàng, sợ giá lên trong những ngày giáp Tết. Không chỉ bánh mứt, kẹo mà ngay đến cả thực phẩm dùng trong ngày nhiều người cũng mua với số lượng lớn để dự trữ lâu ngày làm cho chất lượng bị giảm sút.
Theo ThS.BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, các loại rau củ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là những loại còn tươi, mới thu hoạch chưa bị dập nát hư hỏng đặc biệt là không có mùi lạ. Cá và thủy sản có màu sắc bình thường, còn tươi không có dấu hiệu ươn thối. Đối với các loại thịt như heo, bò, gà nên chọn loại thịt mới mổ và phải qua kiểm dịch của thú y. Các loại thực phẩm cũ như rau bị héo hay thịt khô có mùi lạ dù có rẻ cũng không nên mua vì dễ nhiễm bệnh. Nếu lỡ mua về nhưng trong quá trình chế biến phát hiện những dấu hiệu như có mùi, có nhớt bất thường thì cũng bỏ chứ không nên sử dụng vì tiếc của trời. 
Bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách
Lại có trường hợp dù mua thực phẩm tươi sạch nhưng vẫn bị nhiễm bẩn và ngộ độc mà nguyên nhân là do khâu chế biến tại nhà. Vì thế, nhà bếp và khu vực chế biến phải sạch sẽ không quá ẩm thấp và nước đọng. Tốt nhất là tránh xa nhà vệ sinh, khu chăn nuôi, bãi rác có nhiều khói bụi và mùi hôi thối. Ngày Tết các loại dụng cụ như dao thớt, chén đũa, xoong nồi được sử dụng nhiều vì vậy cần phải lau chùi sạch và để nơi khô ráo. Nếu có nhiều ruồi bọ, chuột gián thì sẽ trở thành môi trường gây bệnh cho con người trong quá trình chế biến thức ăn.
Bữa tiệc ngày Tết có nhiều thực đơn phong phú, vì thế nên chọn dùng món nào và “bỏ qua” món nào để cho dạ dày không bị quá tải, bội thực. Đó cũng là một cách ăn uống khoa học và hợp lý trong những ngày đón Tết vui xuân. 
Về cách sử dụng đồ dùng nấu nướng, BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyên không nên dùng các loại đồ nhôm, nhựa tái sinh có màu để nấu và đựng thức ăn. Một số người có thói quen tận dụng thùng, bao đựng vật liệu xây dựng như sơn, xi măng để đựng gạo, thực phẩm cũng là điều không tốt. Theo BS. Diệp, dụng cụ thức ăn chín và sống không được dùng chung mà phải để riêng. Không thể dùng thớt dao bằm cá để thái hoặc chặt thịt luộc. Thực phẩm thừa lại để vào ngăn đông của tủ lạnh là thói quen không tốt dễ làm cho vi khuẩn xâm nhập trở lại. Tốt nhất là dùng bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu vì thế thực phẩm nên chia thành nhiều hộp nhỏ để bỏ vào ngăn tủ lạnh dùng dần. Ngày Tết thức ăn dư thừa là chuyện có thể xảy ra vì thế trước khi cất và trước lúc ăn các bà nội trợ nên hâm lại kỹ để tránh ôi thiu. Ngày Tết cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ bị “làm khổ” đường tiêu hóa như tiết canh, thịt bì tái, gỏi cá sống… Tốt nhất là ăn các loại thực phẩm đã chế biến kỹ và sạch không cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Hương Thủy
Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến cáo, nếu chọn thực phẩm đã chế biến thì phải được đóng gói hoặc đóng hộp đảm bảo, bên ngoài có ghi nhãn hàng hóa đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng, thành phần chính, cách bảo quản và thời hạn sử dụng. Đối với các bà nội trợ nên nói không với các thực phẩm khô như cá, mực, đậu, lạc đã bị mọt, mốc. Ngày Tết có nhiều thực phẩm lạ được bày bán ngoài chợ như cá, nấm, rau cũng nên cảnh giác không nên mua ăn thử vì rất dễ bị ngộ độc như thực tế đã từng xảy ra.
 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)