Bà con vùng lũ lụt đang phải đối diện với việc thiếu thức ăn, nước uống nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi cứu trợ, các đoàn công tác xã hội cũng nên lưu ý thêm đặc trưng hấp thụ bữa ăn của các lứa tuổi để chuẩn bị thêm nhiều loại thực phẩm cho phù hợp.
Ngoài mì gói vẫn được xem là loại thực phẩm thông dụng trong những ngày mưa lũ, các đoàn cứu trợ nên bổ sung bánh mặn. Trong ảnh: một người dân ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh nhận thực phẩm cứu trợ từ trên mái nhà – Ảnh: Th.Thắng
Ngoài ra, một số nhu yếu phẩm khác như giấy ướt cũng rất cần được quan tâm cứu trợ để giúp bà con vùng lũ phòng tránh các bệnh lây nhiễm, rối loạn tiêu hóa…
Để có nước sạch trong ngập lụt
Theo TS Nguyễn Duy Bảo – viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, trong mưa lũ người dân thường dùng nilông và nắp bịt miệng giếng, song thực tế nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng chứ không ngăn được nước bẩn tràn xuống dưới. Do đó, biện pháp cấp bách nhất sau lũ lụt vẫn là xử lý và chuẩn bị nguồn nước đầy đủ, bảo đảm vệ sinh phục vụ tốt cho sinh hoạt theo ba bước: thau rửa giếng, làm trong nước giếng và khử trùng nước giếng. Nước đã khử trùng vẫn phải đun sôi mới được uống. Trường hợp không có hóa chất khử trùng, sau lũ lụt người dân chỉ nên uống nước đun sôi 10 phút trở lên.
Để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm, bệnh rối loạn đường tiêu hóa, các gia đình cũng cần được cứu trợ thêm giấy ướt để vệ sinh cá nhân: “Đặc biệt là các bé gái tuổi dậy thì, phụ nữ đang tuổi sinh đẻ…bị “đèn đỏ” vào những ngày mưa lũ, nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ viêm nhiễm, bị nấm cơ quan sinh dục rất nguy hiểm.
Không thể có đủ nước rửa trong ngày ngập lụt thì ít nhất cũng có giấy ướt để vệ sinh một cách tối thiểu” – PGS.TS Hà Anh Đào cho biết.
|
TS Bảo cũng cho hay ngay trong khi ngập lụt vẫn có thể xử lý được nước ăn uống bảo đảm vệ sinh từ nguồn nước giếng. Theo đó, trước hết nước giếng sẽ được làm trong bằng cách dùng phèn chua hòa vào nước (với tỉ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Tại hộ gia đình, chloramine B dạng viên 0,25gam (hoặc 1gam) rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, xô, chậu…
Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Tuy nhiên, TS Bảo lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo.
Thực phẩm cứu trợ nên là gì?
PGS.TS Hà Anh Đào – trưởng khoa thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm Viện Dinh dưỡng quốc gia – cho hay trong khi nước đang ngập nặng tại các tỉnh miền Trung thì biện pháp quan trọng nhất để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân là không để người dân bị đứt bữa, đặc biệt là trẻ em và người già. Trong khi mì gói vẫn được xem là loại thực phẩm thông dụng trong những ngày mưa lũ, các đoàn cứu trợ cũng nên chú tâm nhiều hơn đến đặc trưng hấp thụ bữa ăn của lứa tuổi.
Người già, trẻ em không thể ăn mì gói (nhất là mì gói sống) trường kỳ, mà nên thay thế bằng loại thực phẩm đóng gói sẵn khác, mềm hơn, dễ ăn và dễ hấp thụ hơn như các loại bánh mặn. Theo bà Đào, trong bánh mặn có đủ các chất thiết yếu cung cấp năng lượng cho người dân trong những ngày bị cách ly, chịu cảnh thiếu thốn.
Các loại bánh cứu trợ này tốt nhất được đóng trong từng bao gói nhỏ, tiện sử dụng. Người dùng có thể cầm bao gói ăn ngay mà không phải cầm tay dính bẩn, không có nước lau rửa rất mất vệ sinh. Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng kêu gọi các đơn vị sản xuất bánh tránh việc để những khoảng trống trong hộp bánh cho đẹp mắt như mọi khi, mà tiết kiệm mọi diện tích có thể nhằm vận chuyển được khối lượng thực phẩm nhiều nhất trong một đơn vị bao gói cố định đến người dân.
Một điểm lưu ý là trong khi lũ lụt, người già và trẻ em là đối tượng được ưu tiên về thực phẩm số một thì sau lũ lụt, nguồn thực phẩm phải bảo đảm cung cấp đủ cho thanh niên – đối tượng lao động chủ lực có trách nhiệm khắc phục các hậu quả sau lũ. Tuyệt đối không cố chế biến thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn. Tuy không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm như ngày thường, nhưng người dân vẫn có thể sử dụng những thực phẩm thay thế khác, bảo đảm phần nào chất lượng bữa ăn.
Nước tương, lạc, vừng… là những lựa chọn thông minh khi đây là những loại thức ăn tuy đơn giản nhưng đủ khă năng cung cấp các chất thiết yếu, thậm chí cả vi chất cần thiết cho cơ thể. Đậu đỗ làm giá đỗ, mít xanh luộc chín, các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả) chính là nguồn bổ sung thay thế rau xanh.
Phòng một số bệnh thường gặp sau bão lụt
Cục Y tế dự phòng và môi trường – Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo người dân cần lưu ý để phòng một số bệnh thường gặp sau bão lụt:
* Phòng bệnh đau mắt đỏ: không rửa mặt/tắm bằng nước bẩn; tra thuốc nhỏ mắt (Cloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người đang bị đau mắt đỏ; chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.
* Phòng các bệnh ngoài da do nước: không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát; không mặc quần áo ẩm ướt; nếu bắt buộc phải lội vào khu vực nước bẩn, sau đó phải rửa sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay.
* Phòng các bệnh đường tiêu hóa và bệnh do véctơ truyền: không ăn rau sống, ngủ màn, loại bỏ những vũng nước tù đọng – nơi sinh sản của muỗi, phun hóa chất diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết.
|
NGỌC HÀ / TTO
Bình luận (0)