Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ăn uống ở người bệnh gút

Tạp Chí Giáo Dục

Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa a xít uric, còn gọi là bệnh thống phong. Với bệnh này, việc ăn uống cần hết sức chú ý.

Người bệnh gút cần hạn chế ăn hải sản – Ảnh: Đ.N.Thạch

Bệnh gút thường gặp ở nam giới tuổi từ 35 trở đi, dễ phát hiện qua xét nghiệm máu có chỉ số a xít uric tăng lên.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là viêm khớp (do lắng đọng a xít uric), điển hình là viêm một khớp, và chiếm 70% gặp ở khớp ngón chân cái. Ngoài ra còn có những đặc điểm khác như có các đợt viêm khớp cấp, cơn đau khớp thường khởi phát đột ngột, đau dữ dội, các khớp sưng, nóng, đỏ. Đau kéo dài 1 – 2 ngày, rồi giảm dần sau 7 – 10 ngày; người bệnh mệt mỏi, sốt nhẹ, đi lại khó khăn.
Bệnh do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Bình thường a xít uric bị phân hủy trong máu và được thải ra ngoài qua thận. Nhưng ở người bệnh do cơ thể dư a xít uric (cơ thể dư chất đạm có thể do dùng nhiều đạm, hoặc dùng không nhiều nhưng do cơ thể không hấp thu hết), làm lắng đọng a xít uric trong máu, tích lũy lâu ngày đọng thành những tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp hoặc các bao quanh khớp gây ra triệu chứng đau đớn, viêm sưng khớp.
Bệnh này tái phát nhiều lần, và thường những lần sau có nhiều khớp bị đau hơn, thời gian đau kéo dài hơn, lâu hết bệnh hơn.
Người có bệnh gút dùng giới hạn (hoặc không dùng) thực phẩm giàu chất đạm, hải sản, trứng gia cầm, các loại thịt có màu đỏ (bò, ngựa, dê); không dùng phủ tạng động vật (bộ đồ lòng, tim, gan, thận); giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác trong những bữa ăn hằng ngày như thịt gà, thịt vịt, thịt heo và thực phẩm có nhiều đạm thực vật (đậu nành, đậu trắng); kiêng tất cả các loại thực phẩm làm bệnh gia tăng nhanh như măng tre, nấm. Không dùng rượu, bia.
Y học cổ truyền có một số bài thuốc trị bệnh gút tùy thể bệnh. Chẳng hạn với thể đàm thấp bế tắc kinh lạc – triệu chứng là xương khớp đau nhức tê cứng, nóng lạnh, chóng mặt, buồn nôn. Bài thuốc dùng gồm đại táo 12 trái, quế chi, thược dược, hoàng kỳ (mỗi thứ 12 gr), sinh khương 2 gr. Còn thể huyết ứ bế tắc: tay, chân da thịt đau như kim châm, ban đêm đau nhiều, co rút, miệng khô ráo thì dùng bài thuốc gồm chế hương phụ, đương quy, ngưu tất, hồng hoa, khương hoạt, ngũ linh chi (mỗi loại 12 gr), chích thảo 4 gr, nhũ hương 6 gr, chính địa phong 6 gr. Còn thể can thận âm hư có triệu chứng xương khớp đau nhức như bị đánh, chóng mặt hoa mắt, ù tai thì dùng bài thuốc gồm bạch thược 12 gr, tỏa dương 8 gr, can khương 4 gr, quy bản 24 gr, trần bì 6 gr, hoàng bá 16 gr, thục địa 16 gr, tri mẫu 8 gr.
Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên: cho các vị thuốc vào nồi cùng 750 ml nước, nấu với lửa nhỏ còn lại 250 ml, chắt lấy nước, chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Lương y Vũ Quốc Trung 

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)