Vào đầu hè, nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời cao, lỗ chân lông nở rộng, cơ thể thoát mồ hôi nhiều và nhanh, làm hao tổn một lượng nước và muối khoáng…
Thường thì y học cổ truyền dùng phép thanh nhiệt, giải nhiệt nắng bằng cách ăn uống các loại thực phẩm hoặc thảo dược có tính mát. Có thể dùng một số món ăn, thức uống đơn giản, dễ kiếm, dễ làm như dưới đây:
Thực phẩm thanh nhiệt đầu hè: Cam, rau má – Ảnh: K.Vy – Hạ Huy
Nước rau má: Rau má tươi 200g, rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố (hoặc giã bằng cối) cho nhuyễn, rồi đổ vào 1 lít nước đun sôi để nguội, khuấy kỹ, lọc lấy nước, bỏ bã. Khi uống cho thêm chút muối tinh hoặc đường, tùy theo sở thích. Rau má có vị đắng, ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nóng, giải khát; phòng ngừa lở ngứa, mụn nhọt và cảm sốt mùa hè.
Nước khổ qua, đường phèn: Khổ qua (mướp đắng) 1 trái rửa sạch, ép hoặc xay lấy nước, khuấy đều cùng 20g đường phèn. Món này có tác dụng an thần, giải nhiệt độc, hạ hỏa, giúp phòng ngừa mụn nhọt, rôm sảy và các loại nhiễm trùng ngoài da nên rất thích hợp trong mùa hè. Đây cũng là bài thuốc được sử dụng để chữa trị trường hợp trong người luôn có cảm giác bực bội, khó chịu, khó ngủ, biếng ăn, táo bón, tiểu gắt.
Nước bí đao, gừng: Bí đao 100g rửa sạch, cho vào nồi cùng vài lát gừng tươi và khoảng 500 ml nước, nấu nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 150 ml, thêm chút đường. Món này có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu, rất thích hợp lúc thời tiết oi bức khó chịu.
Nước dưa hấu, cà rốt, cam: Dưa hấu 200g, cà rốt 1 củ, cam 1 trái. Dưa hấu bỏ vỏ, lấy ruột cắt thành khối. Cà rốt thái sợi. Cam lột vỏ thái lát. Tất cả cho vào máy xay sinh tố. Sau khi hoàn tất, đổ vào ly uống, có tác dụng thanh nhiệt, tăng sức miễn dịch cơ thể.
Nước lỗ căn rễ tươi (còn gọi là rễ sậy, họ lúa, vị ngọt, đắng, tính mát) nấu với 1 lít nước, nấu còn 500 ml để uống cả ngày. Rễ sậy có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, trừ đờm. Uống nước rễ sậy có tác dụng giải khát, thanh nhiệt trị cảm sốt ho.
Hoài Vũ / Thanh Nien
Bình luận (0)