Sau những thời điểm học hành căng thẳng, trẻ cần được ăn thêm vài bữa phụ trong ngày |
Đối với một số trẻ vốn khánh ăn, ít hứng thú trong chuyện ăn uống, thì học hành là lý do tốt nhất để… né ăn uống. Những trẻ hiếu động, ham học hỏi đôi khi cũng mải mê điều mới lạ… quên cả ăn uống.
Ăn thiếu
Trẻ ăn ít có thể do khánh ăn, do quá mải mê những điều mới lạ, ham chuyện học hành… Chương trình và thời gian học tăng dần cũng khiến trẻ đôi khi ăn ít vì… không có thời gian dành cho việc ăn uống. Đối với trẻ học các lớp lớn, kiến thức và khuynh hướng về dinh dưỡng đôi khi phụ thuộc vào phim ảnh, vào các thần tượng điện ảnh hay ca nhạc nhiều hơn là các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong khi đó, nhu cầu về dinh dưỡng đã tăng lên do trẻ ngày càng lớn, cần nhiều nhiệt năng đáp ứng cho việc gia tăng hoạt động trí não. Vì vậy, nguy cơ suy dinh dưỡng cũng sẽ gia tăng nếu trẻ không được quan tâm theo dõi và chăm sóc đầy đủ về việc ăn uống. Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở tuổi học trò tập trung ở nhóm học sinh cấp 3 (khoảng trên dưới 30%). Ở các lớp nhỏ, tỷ lệ này vào khoảng trên dưới 15% và đang có khuynh hướng giảm dần.
Ăn thừa
Với những trẻ được sự cưng chiều quá mức của cha mẹ, người thân có “tâm hồn ăn uống” và điều kiện thừa thãi về thực phẩm thì nguy cơ mắc chứng béo phì là vấn đề cần quan tâm. Trẻ đã lớn nên thường thích tự chọn các loại thức ăn theo ý mình, mà ở độ tuổi này đa số trẻ có khuynh hướng ưa thích thực phẩm có nhiệt năng cao.
Nguy cơ mắc chứng béo phì càng cao hơn ở trẻ học bán trú do thời gian ngồi học nhiều hơn thời gian vận động, không gian dành cho vận động cũng hạn chế. Béo phì tập trung ở học sinh các lớp nhỏ và có khuynh hướng gia tăng ngày càng nhanh hơn. Ở các trường bán trú, tỷ lệ béo phì cao gấp hai lần so với tỷ lệ suy dinh dưỡng.
Thế nào là ăn đủ?
Chuẩn bị cho trẻ trở lại trường sau những ngày nghỉ tết – Chế độ ăn uống đầy đủ (bảo đảm cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính), thức ăn đa dạng với các loại thực phẩm khác nhau. Hạn chế cho trẻ ăn loại thực phẩm công nghiệp, thức ăn được chế biến sẵn, thức ăn nhiều đường, nhiều chất béo nhưng ít dưỡng chất. Dự phòng cho trẻ không bị suy dinh dưỡng và thừa cân.
– Sử dụng muối có trộn i-ốt thay thế muối thường để ăn và chế biến thực phẩm.
– Điều chỉnh kích cỡ bàn ghế, ánh sáng ở góc học tập. Kiểm tra tư thế khi các em ngồi đọc, viết.
– Đưa các em đi khám mắt định kỳ hàng năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường ở mắt.
– Cân đối thời khóa biểu để các em có thời gian vui chơi, hoạt động thể lực, và nghỉ ngơi, thư giãn. Bảo đảm cho trẻ ngủ đủ giấc.
– Liên hệ thường xuyên với nhà trường để biết tình trạng sức khỏe và học tập của con em mình.
|
Việc ăn uống sao cho hợp lý của lứa tuổi học đường thật ra không đơn giản nhưng cũng không khó. Các em cần được ăn uống một cách bình thường; các bậc phụ huynh không nên chăm sóc trẻ quá mức, cũng không thờ ơ quá đáng. Với những trẻ biếng ăn, kém ăn, nên bố trí bữa ăn phụ vào thời điểm giải lao giữa các giờ học với bất cứ loại thực phẩm nào trẻ ưa thích như sữa, trái cây, khoai lang, bánh, mứt…
Bữa ăn chính nên có nhiều loại thức ăn và nên cho trẻ ăn theo ý thích của mình. Bữa ăn sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày và rất có lợi cho sức khỏe con người. Bữa ăn sáng cung cấp nhiệt năng cho cơ thể sau một đêm dài dạ dày trống rỗng, cơ thể sẽ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết hơn là chỉ có hai bữa cơm trưa và tối. Một học sinh được ăn sáng đầy đủ sẽ có trí nhớ tốt, khả năng tập trung cao và có thể học tốt đến tiết học cuối cùng của buổi sáng. Một tô mì gói có thêm ít thịt và rau củ hay một cái bánh chưng nhỏ hoàn toàn có thể thay thế bằng một chén cơm với đủ món thịt, cá, canh rau trong ba bữa ăn chính. Cơm với muối mè, muối đậu phộng thì cũng bổ dưỡng không kém cơm với thịt bò… Còn với trẻ có nguy cơ thừa cân, hãy thay sữa béo bằng sữa gầy có hàm lượng chất béo không quá 1%, thay bánh ngọt bằng trái cây, tránh cho trẻ ăn các món chiên xào với nhiều dầu mỡ mà nên cho trẻ ăn món hấp, luộc hoặc nướng.
Vận động thể lực luôn tốt cho lứa tuổi học trò
Nên dành thời gian cho trẻ vui chơi, tập thể dục thể thao, sinh hoạt đội nhóm để giúp trẻ có điều kiện giao tiếp với xã hội. Chuyện dinh dưỡng và học hành là chuyện lâu dài, phải tập cho trẻ cách ăn uống và thói quen học tập trong suốt cả năm, tránh sự thay đổi đột ngột. Trong thời gian ôn thi (thi học kỳ, thi chuyển cấp…) vẫn cho trẻ ăn uống bình thường, nếu thời gian học có tăng lên thì thêm cho chúng vài bữa ăn phụ là đủ.
BS.PHẠM KHẮC TRÍ
Bình luận (0)