Người bị sạn thận không nên uống trà đá. Ảnh: T.L |
Nếu đã bị sạn ở thận hay trên đường tiểu, bệnh nhân cần phải tránh ăn các chất dễ tạo nên sạn như canxi, phốt phát, urat, oxalat… Vậy những thực phẩm và thức uống nào chứa nhiều các chất này?
Theo thống kê, trung bình có 10% nam giới và 3% nữ giới bị sạn thận ít nhất một lần trong đời.
Thức ăn nào chứa nhiều chất tạo sỏi?
Người bị sạn thận thường rất quan tâm tới vấn đề ăn uống. Họ rất sợ cảnh lâu lâu lại bị cơn đau gắt khi sạn di chuyển nên muốn biết phải ăn kiêng ra sao cho sạn khỏi tái phát. Những người đã bị sạn thận, sau khi được điều trị sẽ có khoảng 40% nguy cơ bị tái phát trong vòng 5 năm và 80% nguy cơ trong vòng 25 năm sau đó; bệnh sạn thận đã được mọi giới y học chuyên môn đồng ý là có thể ngừa và tránh tái phát bằng các phương thức dinh dưỡng. Nhiều giáo sư nổi tiếng ở nước ngoài cũng đã ghi nhận: Thay đổi cách ăn uống làm giảm được đến 50% nguy cơ tái phát sạn thận. Các nghiên cứu của họ cũng cho thấy 58% trong số 108 bệnh nhân sạn thận chữa trị và làm theo các chỉ dẫn về ăn uống đã tránh được việc phải trở lại bệnh viện trong 5 năm sau đó.
Các loại rau thuộc họ cải, rau dền, rau cần, rau ngò thơm, các loại đậu chứa nhiều chất oxalat. Ngoài ra, chất này còn thấy nhiều trong socola, me chua, măng tây… Thực phẩm chứa nhiều chất vôi (canxi) gồm có: Pho mát, bắp cải, bắp cải hoa, đậu nành, đậu đỏ, cải xoong, lòng đỏ trứng, sữa… Qua phân tích thành phần canxi của 100g thực phẩm vừa nêu trên thì có đến 100mg canxi. Một số thực phẩm có chứa hàm lượng canxi thấp hơn, vào khoảng 50-100mg canxi trong 100g như gạo, rau cần, rau diếp, mận, trái vải… Ngoài ra, cần lưu ý đến một số thuốc chữa bệnh về dạ dày hoặc chứng khó tiêu như các thuốc kháng axít hay một số loại thuốc bổ có chứa nhiều canxi. Tất nhiên, các loại tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến cũng chứa nhiều canxi.
Nói đến thực phẩm chứa phốt phát phải kể đến ca cao, đậu nành, lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, gan bò, thịt bò, các loại ngũ cốc, khoai tây, một số trái cây như táo, lê, đào, chuối. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến cá mòi, tôm, cua, sò, hến… Cuối cùng, thực phẩm chứa nhiều thành phần tạo nên sạn urat là cá hồi, cá chày, cá đối, cá trích. Một số loại cật heo, gan của động vật cũng chứa không ít thành phần tạo sạn urat. Những người ăn chay ít bị sạn thận hơn những người ăn thịt khoảng 30%. Do ăn chay mang vào cơ thể nhiều chất xơ, vốn vẫn được xem là chất giải độc cho việc tạo sạn.
Thức uống cũng rất quan trọng
Tại nước ta, một số địa phương có nguồn nước giếng, nước ao hồ, nước suối có chứa nhiều chất canxi nhưng chưa được xử lý, gạn lọc. Nếu sử dụng các dạng nước thô như thế sẽ làm cho lượng canxi trong nước tiểu tăng cao và gây nên sạn.
Những người có bệnh sạn thận sau khi đã điều trị cần kiêng các đồ uống như sữa nhiều canxi, các sản phẩm từ sữa gồm bơ, pho mát, một số chế phẩm có socola, cacao, ovantine và các loại trứng.
Trong tất cả các trường hợp sạn thận, số lượng nước tiêu thụ hàng ngày đóng một vai trò rất quan trọng. Nước uống làm nước tiểu loãng và ngăn ngừa các tinh thể gây sạn kết tụ với nhau. Cho nên, mỗi ngày, người bị bệnh sạn thận cần uống ít nhất 8 ly nước hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, nên chọn nước lọc hoặc nước chanh tươi thay vì chọn nước trà đá. Nước chanh chứa hàm lượng axít citric cao giúp ngăn chặn sự phát triển của sạn thận. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, những ai thường xuyên uống trà đá nên kiểm tra lượng oxalat trong cơ thể.
Cũng cần lưu ý rằng, ở trẻ em rất cần có sữa canxi bổ sung cho sự phát triển xương. Với phụ nữ sau tuổi mãn kinh, lượng canxi cũng mất dần đi, do đó uống sữa bổ sung canxi lại là điều rất cần thiết.
BS. Lê Thiện Anh Tuấn
(Hội Y học TP.HCM)
Bình luận (0)