Biết phù phép cho một câu chuyện, biết tạo trò chơi cho du khách, biết gợi lên những hy vọng cho con người, đó là cái tài làm du lịch của người Đài Loan (Trung Quốc).
Khi chuẩn bị cho chuyến đi Đài Loan, con gái tôi nằng nặc đòi mẹ đặt tour du lịch một ngày, trong đó có điểm đến là phố cổ Thập Phần, nơi có tục thả đèn trời.
Thú thực, nếu đi du lịch trải nghiệm một mình, Đài Loan chưa phải là ưu tiên số một của tôi. Tôi cũng chưa thực sự hiểu và có những thông tin cần thiết về vùng đất này. Nhưng vốn chiều con, đã hứa đưa con đến một địa điểm thú vị tại châu Á trong năm 2018 nên tôi hướng tới Đài Loan với mong muốn mẹ và con sẽ có khoảng trời riêng với nhau ở một vùng đất xa lạ và để mọi thứ mới mẻ đến một cách tự nhiên, không định kiến, không bị ám ảnh bởi cảm nhận của bất cứ ai, kể cả thông tin từ internet.
Sự hòa trộn giữa nét cổ điển và hiện đại làm nên phong vị riêng của Đài Loan
Xuống sân bay Đào Viên, chúng tôi lên tàu về Đài Bắc, đi qua những vùng đồi núi tựa như Cao Bằng của Việt Nam. Nhìn những tòa nhà khung bê tông quen thuộc, cảm nhận ban đầu của tôi là ở đây đâu khác gì Việt Nam. Nhưng càng đi tôi càng thấy “cái khác” hiện lên rõ hơn với giao thông chất lượng, hiện đại, những cây cầu nâng đường sắt lên cao, tàu vượt qua cả dãy núi, băng qua nóc thị trấn, vi vu và mạo hiểm thú vị như chơi trò trong tổ hợp Universal tại Singapore vậy.
Cây cô đơn có dáng lạ trên bãi biển
Đài Bắc đón chúng tôi trong một chiều cuối thu se lạnh, thời tiết không thể đẹp hơn, với nắng vàng dịu vừa đủ độ, gió vấn vít tóc khiến ai cũng muốn cười. Những con phố đi bộ rộng rãi, thoáng đãng nhưng quyến rũ du khách bởi đủ mùi vị của thức ăn. Nổi bật là mùi hải sản nướng và chiên ngon đến tứa nước miếng. Nơi đây đúng là thiên đường cho những người thích thưởng thức hải sản. “Hải sản Đài Loan tươi, ngon bậc nhất, cứ như được đưa thẳng từ thuyền cá lên mâm vậy” – Lê Huyền, một Việt kiều sống gần hai chục năm tại Đài Loan – nói với mẹ con tôi.
Các gian hàng trong chợ hải sản bên ngoài cảng cá
Đài Bắc còn khiến chúng tôi choáng ngợp về đêm, với những tòa cao ốc lừng lững sáng đèn, thu hút mọi người đổ về mua sắm, ăn uống, vui chơi. Chưa tới 7 giờ tối, mà khi đến được tòa nhà cao 101 tầng, có tên Taipei 101, để vào nhà hàng Din Tai Fung ăn món Dim sum nổi tiếng, chúng tôi phải xếp hàng lấy số thứ tự và được tấm phiếu thứ 371. Người hướng dẫn trong nhà hàng cho biết, chúng tôi phải đợi ít nhất một tiếng mới có bàn ăn. Người Đài Loan rất thích xếp hàng, trật tự như ở châu Âu vậy. Chúng tôi vui vẻ lấy phiếu và tranh thủ đi thăm các tầng tòa nhà, ngắm nghía các shop lộng lẫy, sau đó là rẽ vào siêu thị.
Trái cây tươi ở Đài Loan nhiều vô kể, (được bày nhiều trong siêu thị và các quầy hàng mặt phố) ấn tượng nhất là những quả mãng cầu rất lớn, nặng tới gần 1kg/quả. Chúng tôi cũng thưởng thức thử nửa quả, thấy rất ngọt và thơm. Nếu như cần mua quà cho người thân, thì chúng tôi chọn na Đài Loan, thứ giá trị nhất và lạ nhất. Có lẽ khi bước vào tuổi trung niên, tôi đã không còn sáng mắt lên vì thời trang và son phấn nữa, mà chỉ nghĩ đến những đặc sản ngon và lợi cho sức khỏe.
Một quán ăn tại chợ hải sản cảng cá Miaoli
Một giờ sau, quay lại quán ăn, được thưởng thức món Dim sum do đầu bếp Đài Loan làm trước mắt thực khách, chúng tôi thấy quả đáng đồng tiền bát gạo. Món ăn ngon đã đành, nhưng cách nhà hàng chưng ra cảnh hàng chục đầu bếp trong bộ đồ trắng tinh, tay thoăn thoắt vê bột nặn bánh và tung hứng nhịp nhàng như những ảo thuật gia, thì quả là một cách marketing đỉnh cao. Không du khách nào không đứng lại trầm trồ thán phục và chụp ảnh kỷ niệm. Món quà thị giác mà nhà hàng tặng du khách rất thú vị, độc đáo.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để ra nhà ga trung tâm Đài Bắc và được xe của công ty du lịch đón đi tới phố cổ Thập Phần. Tại đây, tôi lại chứng kiến một bất ngờ khác. Một khu phố cổ nhỏ thoạt nhìn chẳng có gì đặc biệt, với hai dãy nhà liền kề xây gạch và bê tông đã cũ, rêu mốc, thậm chí mái nhà trông không được chắc chắn cho lắm, chạy dọc theo đường sắt. Tuy nhiên, du khách cứ nườm nượp và các xe du lịch vẫn tiếp tục nối đuôi nhau kéo đến.
Ẩm thực Đài Loan luôn “hớp hồn” du khách
Có điều gì đặc biệt tại phố cổ này vậy? Nhà cửa cũ kỹ, đâu có gì hấp dẫn như kiểu nhà gỗ cổ trong các phố cổ khác? Tôi thầm hỏi như vậy và rồi chợt nhớ ra câu chuyện của người hướng dẫn viên nói trong lúc tôi nửa thức nửa ngủ trên xe du lịch, về việc phố cổ này có những ngôi nhà làm đèn trời để du khách thả lên trời cùng điều ước nguyện.
Chúng tôi được dẫn băng qua đường tàu, đi vào một ngôi nhà hình ống, có giá treo chạy dọc hai bên nhà. 150 tệ Đài Loan cho một cái đèn trời lớn bằng cối xay lúa, với màu sắc do khách chọn. Khách sẽ viết lên đó bằng bút lông điều ước nguyện của mình, sau đó làm phồng đèn ở bên ngoài, đứng giữa đường tàu chạy và đốt đèn, thả lên trời cao. Người hướng dẫn viên cũng nhắc nhở khách nên cẩn trọng, nếu thấy thông báo có tàu chạy qua hoặc nghe tiếng còi tàu thì phải lập tức rời xa đường tàu để tránh tai nạn.
Phố cổ Thập Phần luôn là điểm đến hấp dẫn với mọi du khách
Thật thú vị khi tự tay viết điều ước lên đèn trời, sau đó đốt đèn và thả lên trời cao, ngắm chiếc đèn mang niềm mơ ước của mình bay lên bầu trời bao la, cùng lời nguyện thầm thì tan vào vũ trụ. Vừa là trò chơi, vừa mang tính tâm linh, vừa cho du khách quyền được mơ ước, những điều đó đã trở thành lực hút bí ẩn và độc đáo khiến du khách bị quyến rũ đến với phố cổ Thập Phần nhỏ bé và thoạt nhìn như chẳng có gì đặc biệt. Biết phù phép cho một câu chuyện, biết tạo trò chơi cho du khách, biết gợi lên những hy vọng cho con người, đó là cái tài làm du lịch của người Đài Loan.
Nếu bạn muốn tự khám phá xứ sở trà sữa… Khi đến Đài Loan du lịch tự túc, bạn nên mua một thẻ Easycard để sử dụng đa năng, vừa đi tàu điện ngầm, tàu thường, vừa mua sắm trong một số cửa hàng tiện ích như 7-Eleven. Đặc biệt, khi di chuyển tại Đài Bắc hoặc Đài Trung bằng xe bus, với chặng đường dưới 7km, bạn sẽ được miễn phí nhưng bạn phải có thẻ EasyCard để quẹt khi lên xuống xe. Khi xuống sân bay, bạn nên mua sim điện thoại 3G hoặc 4G để sử dụng khi liên lạc, nhất là khi tìm đường và muốn sử dụng phương tiện công cộng. Với sim điện thoại này, bạn sẽ dùng phần mềm tìm đường, tra các tuyến xe bus, tàu điện… rất hữu ích. Từ trung tâm Đài Bắc, Đài Trung hoặc Đài Nam, Cao Hùng, muốn đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở các vùng phụ cận, ngoài việc đi bus, tàu, bạn có thể mua tour ngày, với giá khoảng 700 tệ Đài Loan/tour 1 ngày, đi tới 3-5 điểm du lịch khác nhau. Một con đường lộng gió ở Đài Loan
|
Theo Kiều Bích Hậu/PNO
Bình luận (0)