Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ăn xin “đại náo” vùng ven

Tạp Chí Giáo Dục

Người ăn xin vào vai bán hàng rong tại giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Q.7
Không muốn vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội của thành phố, người ăn xin không nơi cư trú, sống lang thang lại dạt về vùng ven.
Sau những ngày UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan có liên quan về công tác tập trung người ăn xin không nơi cư trú, người sinh sống nơi công cộng vào trung tâm hỗ trợ xã hội, theo quyết định 49 của UBND TP.HCM ngày 18-12 thì người ăn xin lại dạt về vùng ven chứ không còn tập trung ở trung tâm thành phố như trước.
Cải trang để ăn xin
Ngày 31-12, ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cũng đã thừa nhận người ăn xin đã tản ra các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn… Địa điểm tụ tập ăn xin ngoài các giao lộ còn tập trung ở các cây xăng, khu vực quán nhậu vùng ven.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Q.7 (dưới chân cầu Kênh Tẻ) và địa bàn giáp ranh giữa Q.7 và huyện Nhà Bè (ngã tư Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh) những ngày này người ăn xin tập trung rất đông. Tuy nhiên, không như thời gian trước, nay người ăn xin xuống đường, ngồi ở ngã tư đều kè kè bên mình những chiếc rổ đựng kẹo cao su, hộp tăm bông… Bà Nguyễn Thị Mai, người bán hàng ăn góc đường Nguyễn Văn Linh – Lê Văn Lương nói: “Mấy người này tôi quá quen mặt. Trẻ có, già cũng có. Họ đi thành từng nhóm rồi chia ra ngồi ở các ngã tư. Bây giờ xuống đường họ ăn mặc sạch sẽ hơn hòng để đánh lừa người đi đường cũng như cơ quan chức năng”.
Phía làn xe máy hướng từ huyện Bình Chánh đi KCX Tân Thuận, đến giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, một thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn cố len lỏi trong dòng xe cộ đang dừng đèn đỏ chào mời khách mua kẹo. Khi phát hiện ống kính máy ảnh chĩa về phía mình, anh ta lộ nguyên hình là một người lành lặn và chửi bới om sòm. Người đàn ông chạy xe ôm cách đó không xa, cám cảnh nói: “Mấy tháng trước họ ra đây xin tiền. Nay bị “động” nên cải trang thành người bán hàng rong. Người đi đường thấy tội nghiệp mua giúp vỉ kẹo, vậy mà đưa tiền dư lại không thối, cố tình thoát khỏi đám đông xe cộ”.
Người ăn xin cải trang thành bệnh nhân cũng đã bùng phát trở lại, xuất hiện nhiều ở các ngã tư. Hình ảnh tay chân băng bó, máu me hay đeo những chiếc bình truyền dịch trên người khi đi “làm ăn” cũng chẳng còn lạ nhưng không ít người vẫn bị mắc lừa. “Thấy nó lê từng bước chậm chạp, lại đang truyền dịch thế kia, mình sốt ruột móc cho 30.000 đồng. Hơn một giờ sau, khi đi đón con, tôi thật sự bị sốc khi tình cờ thấy nó ngồi đếm tiền, uống cà phê sữa bên vỉa hè…”, bà Võ Thị Liên (ngụ C8, đường Phạm Hùng, Q.8) nói về một thanh niên vào vai người bệnh để xin tiền. 
Hãy vì thành phố văn minh
Ông Lê Chu Giang chia sẻ: Để cùng chung tay xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp và nghĩa tình, người dân có thể phản ánh về người lang thang qua đường dây nóng Phòng Bảo trợ xã hội: 0903.959.929; 38.292.491 (giờ hành chính) hoặc Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 35. 533.258 (24/24). 
Anh Nguyễn Văn Hải, bảo vệ khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho biết, khoảng gần tuần nay, người ăn xin đa phần là phụ nữ và trẻ em xuất hiện nhiều ở các khu phố vào buổi trưa. “Họ liên tục di chuyển từ đường này qua đường khác, không tụ tập nên không có lý do gì để  giữ họ. Chúng tôi chỉ có quyền cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng địa phương theo dõi và có biện pháp giải quyết”, anh Hải thông tin.
Việc xóa vấn nạn người ăn xin không nơi cư trú và người lang thang vào trung tâm hỗ trợ xã hội nuôi dưỡng, đào tạo nghề là một quyết sách đúng đắn của TP.HCM được người dân đồng tình ủng hộ. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương tích cực ra quân tập trung người ăn xin, sống lang thang theo chỉ đạo của sở, phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn vì người ăn xin tản về các địa bàn vùng ven. Cũng theo ông Giang, tính đến ngày 31-12, chỉ có khoảng hơn 200 người được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội xác định thông tin cư trú.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Đà Nẵng: Tập trung dẹp nạn ăn xin bùng phát dịp cuối năm
Ông Nguyễn Hùng Hiệp – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, những ngày cuối năm, tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách, lợi dụng trẻ em người khuyết tật bán kẹo kéo, vé số kết hợp ăn xin… xuất hiện trở lại ở một số khu vực tại Đà Nẵng. Sở đã chỉ đạo Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn tăng cường bố trí lực lượng, phối hợp với các địa phương kiểm tra phát hiện và xử lý đối tượng vi phạm tại các khu vực công cộng, công viên, khu vực chùa, nhà hàng… Ngoài ra, ông cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương có đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách cần có giải pháp đồng bộ để vận động và hỗ trợ gia đình, bản thân đối tượng chuyển đổi việc làm phù hợp. Để ngăn ngừa tình trạng xin ăn bùng phát, ông Hiệp cho biết đang tập trung mở đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong, xin ăn biến tướng vào những ngày lễ, Tết sắp tới.
M.H
 

 

Bình luận (0)