Dù đã có chủ trương đưa những người ăn xin về các trung tâm bảo trợ xã hội, tuy nhiên, thời gian qua trên các đường phố Sài Gòn, tình trạng ăn xin vẫn tồn tại như chưa từng có chiến dịch nào.
Hai em nhỏ ăn xin tại ngã 4 Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh chụp tối 8-11) |
Người ăn xin vẫn đầy đường phố
Trên nhiều tuyến đường của Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người ăn xin. Sau nỗ lực tập trung người ăn xin, lang thang, không nơi cư trú vào trung tâm hỗ trợ xã hội của ngành chức năng, đến nay tình trạng người ăn xin lại tái diễn tràn lan đầy đường, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố.
Tối 8-11, chúng tôi ghi nhận tại khu vực ngã 4 Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám, hai đứa trẻ đang ngồi bệt dưới lòng đường, quần áo rách rưới để xin tiền người dân qua đường. Khi chúng tôi hỏi thăm, hai đứa trẻ này nói rằng bị ba mẹ bỏ rơi và ra sức nài nỉ chúng tôi cho các em một ít tiền để ăn tối. Khuôn mặt các em lộ rõ vẻ khẩn thiết qua đôi mắt. Ngoài ra, ở khu vực ngã tư Lý Thường Kiệt – Ba Tháng Hai (Q.11), ngã 3 Bắc Hải – Thành Thái (Q.10), ngã tư Bạch Đằng – Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)… cũng thường xuyên xuất hiện rất nhiều người già, trẻ em, người khuyết tật lang thang. Điều đáng nói, những trường hợp này đều có dấu hiệu có người tổ chức, chở đi ăn xin. Có thể thấy, người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn. Trong số đó có người già, trẻ em, người tàn tật, nhưng cũng có người giả tàn tật, hoặc bị chăn dắt…
Ông Trần Tuấn Kha (cán bộ hưu trí tại quận 11) chia sẻ: “Nạn chăn dắt ăn xin từng giảm một thời gian ngắn khi có chiến dịch của nhà chức năng. Tuy nhiên, mọi việc lại trở lại như cũ khi chúng ta không lên án mạnh mẽ nạn chăn dắt và ăn xin trên địa bàn TP. Nhiều tổ chức bảo trợ xã hội, các nhóm tình nguyện viên giúp đỡ lo lắng cho người nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ nhưng số lượng người ăn xin ở trên địa bàn TP vẫn còn ở mức báo động”.
Đừng “bắt cóc bỏ đĩa”
Vài năm gần đây, TP cũng đã thực hiện vài chiến dịch rất lớn, tập trung người ăn xin lang thang, không nơi cư trú vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với quận, huyện thực hiện tập trung người ăn xin thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đợt cao điểm, hàng ngàn trường hợp người ăn xin người, lang thang ở khu vực trung tâm thành phố đã được đưa vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ảnh từ người dân về nạn ăn xin.
Điều 27 của Nghị định 144/2013 có quy định, “người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chứng minh được những người chăn dắt có hành vi đánh đập, bắt người già, trẻ em nhịn ăn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội Hành hạ người khác”. |
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ngành chức năng dường như chưa có kết quả khả quan. Sau đợt cao điểm, tình trạng ăn xin lại tiếp tái diễn, thậm chí có dấu hiệu gia tăng. Trên thực tế, nạn ăn xin chỉ có một bộ phận nhỏ là người thực sự khó khăn, tàn tật… Phần đông còn lại là những người bị lạm dụng thành “công cụ kiếm tiền” cho những kẻ chăn dắt. Trong số những người hành nghề ăn xin ở Sài Gòn, trẻ em chiếm số lượng khá đông. Những đứa trẻ mất tuổi thơ khi phải mưu sinh sớm giữa lòng đường. Đa phần các em xuất thân từ những miền quê nghèo, không được học hành đàng hoàng và thường bị các đối tượng lợi dụng, chăn dắt để kiếm tiền.
Điều 27 của Nghị định 144/2013 có quy định, “người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chứng minh được những người chăn dắt có hành vi đánh đập, bắt người già, trẻ em nhịn ăn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội Hành hạ người khác”.
Đã có nhiều đợt ra quân tập trung người ăn xin không nơi cư trú và lang thang vào các trung tâm hỗ trợ xã hội nhưng dường như đây vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Tình trạng người ăn xin vẫn xuất hiện rất nhiều trên các đường phố. Với những người ăn xin, đó là một nghề để họ kiếm cơm. Không ít người lang thang khi được hỏi vì sao không vào các trung tâm bảo trợ, họ đều bày tỏ đây như là một “công việc” mưu sinh.
Đáng lên án nhất là các đối tượng chăn dắt ăn xin bất chấp vi phạm pháp luật để lợi dụng lòng hảo tâm của người khác. Sau nhiều đợt nỗ lực dẹp nạn chăn dắt ăn xin, tình trạng này vẫn không biết đến khi nào mới chấm dứt?
Bài, ảnh: Thục Quyên
Bình luận (0)