Thời gian gần đây, tỉnh Kiên Giang đã trở thành điểm sáng phong trào về công tác dạy chữ, dạy nghề và sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho người khiếm thị. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương còn có công lớn của Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Bảnh – một con người giàu ý chí biết vươn lên từ số phận.
Nguyễn Văn Bảnh (phải) cùng con trai lớn Nguyễn Văn Bình |
Chữ Braille tiếp sức đến trường
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập doanh nghiệp tư nhân phục hồi sức khỏe Nhật Việt Thanh tổ chức tại Bình Quới, nhiều nhân viên khiếm thị thật sự vui mừng khi gặp lại Nguyễn Văn Bảnh – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Kiên Giang. Mặc dù không còn ở TP.HCM nhưng Nguyễn Văn Bảnh (SN 1964) vẫn luôn được bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhở đến như người anh cả trong một đại gia đình người khiếm thị. Vì thế, mỗi khi có dịp tụ họp với nhau, dù đường sá xa xôi đi lại khó khăn nhưng người anh cả vẫn lặn lội lên cho bằng được để gặp gỡ mọi người. Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng giọng nói của người đàn ông quê ở P.An Hòa, TP.Rạch Giá vẫn sang sảng như tiếng đờn kìm vùng sông nước.
Cũng giống bao số phận thiệt thòi khác, tuổi thơ Nguyễn Văn Bảnh chìm ngập trong màn đêm khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Nhưng may mắn đã đến với chàng trai 22 tuổi khi có tên vào học nội trú tại Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tại TP.HCM. Nhớ lại thời gian học ở “mái ấm” này, anh kể: “Tôi là một trong số ít thế hệ học sinh đầu tiên được ưu tiên vào học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Lúc đó mong muốn của gia đình là vào đây để có cơm ăn áo mặc và không phải làm những nghề vất vả của người khiếm thị”. Tuy nhiên, với nghị lực vươn lên của một chàng trai dù không có sẵn đôi mắt sáng nhưng có sẵn định hướng, Nguyễn Văn Bảnh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Trưởng thành hơn trong những năm tháng được thầy cô dìu dắt, Bảnh cùng bạn bè bước vào đời với những công việc đổ mồ hôi lấy thu nhập dành cho người khiếm thị như đan lát, làm thủ công đồ gia dụng và cả học kỹ thuật xoa bóp phục hồi sức khỏe. May mắn đến với khóa học khi anh được học tiếp chương trình THPT do nhà trường được phép mở vào năm đầu tiên. Những cuốn vở chữ nổi Braille đầy nghị lực đã giúp anh vững bước hơn trên con đường tiếp cận tri thức khoa học…
Lấy bằng cử nhân cao đẳng trong màn đêm
Mỗi khi ngồi ở hàng ghế danh dự tham gia chương trình văn nghệ, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Bảnh thật sự hạnh phúc. Anh hạnh phúc khi nghe được những lời ca tiếng hát của các số phận không may, xóa tan đi những ranh giới mặc cảm tự ti trong cuộc sống để cho người khiếm thị có thêm cơ hội được hòa nhập với cộng đồng. |
Anh lập gia đình ở tuổi 30. Ba năm sau, tiếng khóc của đứa con trai Nguyễn Văn Bình đem hạnh phúc vào cho căn nhà trọ nhưng lại thêm một gánh nặng trên vai người vợ trẻ Bùi Mỹ Ánh. Nếu không có sự giúp đỡ và đồng cảm từ gia đình vợ thì anh cũng khó vượt qua được những tháng ngày chật vật này.
Với người khuyết tật, tấm bằng tốt nghiệp phổ thông đã là đích cuối của tầm cao trình độ văn hóa. Thế nhưng càng học càng thấy kiến thức mình vẫn còn hạn hẹp nên Bảnh vẫn không chịu dừng chân. Đây cũng là thời kỳ các trường chuyên nghiệp mở rộng cửa hơn cho người khuyết tật. Năm 1999, anh đăng ký vào học ngành lịch sử thuộc hệ cao đẳng với một động lực mới. Có người coi đây là chuyện lạ và khuyên anh đừng nên theo đuổi vì đã vướng bận vợ con. Thế nhưng, niềm đam mê học tập của Bảnh tưởng như không có gì cưỡng lại được.
Thời gian dùi mài kinh sử trong bóng đêm rồi cũng cho anh được tấm bằng cử nhân vào năm 2003. Không thể chòi đạp với cuộc sống thành thị khó khăn, lại đưa vợ con về Rạch Giá sinh sống. Chính trên mảnh đất quê hương mình, anh đã có thêm cơ hội mới khi nhiệt tình tham gia mọi hoạt động xã hội để giúp đỡ người khiếm thị. Vinh dự vào BCH Hội Người mù tỉnh Kiên Giang hai nhiệm kỳ liên tiếp anh đều đắc cử cương vị Chủ tịch hội với bao trăn trở về dự kiến “khai thác” công ăn việc làm cho người cùng cảnh ngộ. Một tay cầm phấn, một tay cầm dao kéo, vừa trực tiếp dạy văn hóa, anh vừa mở các lớp dạy nghề cho người khuyết tật trong đó dịch vụ xoa bóp, phục hồi sức khỏe do người khiếm thị đảm trách. Vốn có giọng ca cải lương đậm chất Nam bộ, Nguyễn Văn Bảnh còn là hạt nhân của các phong trào văn nghệ người mù tại vùng đất của “ông tổ” cải lương Cao Văn Lầu. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, chương trình liên hoan văn nghệ Mừng Đảng mừng xuân người mù tỉnh Kiên Giang luôn được khán giả chào đón nồng nhiệt với những cung bậc tình cảm đặc biệt. Không chỉ tạo sân chơi bổ ích, liên hoan còn là nơi gặp gỡ giao lưu với những cảm xúc nồng ấm thân thương.
Quang Phan
Bình luận (0)