Sinh viên ở Anh trong giờ giải lao |
Để giữ gìn thanh danh, uy tín của mình, các trường ĐH danh tiếng nhất ở Anh sẽ đặc biệt quan tâm đến việc thắt chặt hơn nữa khâu tuyển sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề được giới sư phạm đưa ra tranh luận như học phí quá cao hay sự thiếu hợp lý về cách tuyển chọn.
Đầu vào chất lượng…
Năm tới Trường ĐH Tổng hợp Cambridge sẽ kỷ niệm 800 năm ngày thành lập. Học phí của trường này lên đến 3.000 bảng Anh (khoảng hơn 4.800 USD) mỗi năm và việc tuyển chọn cực kỳ khó khăn, vì thế đối với nhiều người thì việc theo học ở trường này là không thể. Theo nhật báo Daily Telegraph, đã có nhiều trường ĐH tuyên bố noi gương Cambridge và sẽ thắt chặt hơn nữa khâu tuyển sinh thông qua điểm cao hơn, trong số này có các trường như ĐH Bristol và ĐH College London. Trong khi đó Trường ĐH Oxford tuyên bố trước mắt chưa áp dụng điểm mới trong khâu tuyển sinh.
Cách đây mấy tháng các trường ĐH hàng đầu ở Anh như Cambridge và Oxford, do bị áp lực của Chính phủ, còn ngỏ ý sẽ phấn đấu để nâng cao tỷ lệ tuyển chọn học sinh thuộc tầng lớp bình dân tốt nghiệp các trường công lập. Yêu cầu của Chính phủ Anh là dễ hiểu vì dù sao các trường ĐH ở Anh cũng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ khá lớn, thí dụ 3/5 ngân sách của ĐH Cambridge là do Nhà nước tài trợ. Nay một số trường ĐH muốn thắt chặt hơn nữa các tiêu chuẩn tuyển sinh. Lý do mà các trường này đưa ra là số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trên ba điểm A khá nhiều, vì thế, việc tuyển chọn rất khó khăn vì khả năng tuyển sinh hằng năm chỉ có mức độ nhất định. Geoff Parks, Trưởng ban tuyển sinh ĐH Cambridge nói với tờ The Times: “Cho đến nay việc phân loại, tuyển chọn các em có thành tích học tập xuất sắc nhất chưa thực sự thích hợp. Tiêu chuẩn mà chúng tôi áp dụng cho đến nay vẫn chưa là một rào cản có ý nghĩa”. Về lâu dài, ĐH Cambridge có thể tính đến việc áp dụng tiêu chuẩn tuyển chọn tối thiểu là một A thông thường và hai “A cộng”.
Và nỗi lo về học phí
Ông Barry Sheerman, nghị sỹ Công đảng, Chủ tịch Ủy ban về trẻ em, trường học và gia đình, phát biểu với tờ The Times: “Tôi e ngại rằng, những trường ĐH hàng đầu ở đất nước ta sẽ trở thành vùng cấm đối với các em con nhà bình dân”. Trong thực tế số lượng các bậc phụ huynh đủ khả năng tài chính cho con em theo học ở các trường tư thường không nhiều.
Hệ thống nhà trường ở Anh chia thành hai nhóm, một bên là một nhóm nhỏ các trường công lập dành cho học sinh xuất sắc và các trường tư thục, số còn lại gồm khoảng 3.000 trường có khoảng cách khá lớn so với các trường hàng đầu. Hiệu trưởng 250 trường tư đã tỏ ra hết sức vui mừng về việc ĐH Cambridge đi đầu trong việc công nhận “A cộng”. Ông John Dunford, Tổng thư ký hiệp hội các trường công thì lại không coi quy định bổ sung đối với quy chế tuyển sinh là một sáng kiến. Ông này cho rằng “người ta có thể áp dụng nhiều cách khác để thực hiện việc tuyển chọn tốt hơn”. Tuy nhiên khó khăn trong khâu tuyển chọn không phải là khó khăn duy nhất mà học phí cao cũng là một khó khăn không nhỏ. Hiện nay học phí mỗi năm lên đến 3.145 bảng Anh và nhiều trường ĐH đang nghĩ đến việc tăng học phí hơn nữa.
Lê Hoàng
Theo Tạp chí Spiege,Telegraph.co.uk
Theo một nghiên cứu gần đây nhất thì học phí ĐH ở Anh có thể lên đến 33.000 bảng. Và theo yêu cầu của Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Anh cho thấy, sinh viên bắt đầu nhập trường ĐH vào năm 2016, riêng tiền học phí sẽ phải chi từ 21.000 đến 33.000 bảng (hơn 53.000 USD). |
Bình luận (0)