Y tế - Văn hóaThư giãn

Anh Cư

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Anh Cư giải ngũ, theo chế độ anh mua được một cái máy xay xát. Lúc đầu anh làm ăn cũng được lắm. Cả làng chỉ có một cái máy xay nên bà con tuôn nhau đến. Chị Lượng vợ anh là nhân viên ngân hàng huyện rất hoan hỉ. Chị nói : “Cứ bám vào nhà nước lương ba cọc ba đồng có mà ăn cám”. Nhưng rồi đất nước mở cửa. Thiên hạ đổ xô đi mua sắm máy móc thay thế sức người. Trong làng có thêm tám cái máy nữa. Máy họ đặt ngay giữa xóm, nơi cổng chợ hoặc ở bến đò. Nhà anh ở tít đầu làng nên khách khứa cứ vơi dần. Chị chì chiết: “Đúng là con bò Lào”.

Thời này ngân hàng lên ngôi. Chị ngày càng đẫy đà béo tốt. Trái lại anh gầy quắt như con cò hương. Cái mặc cảm ăn bám vợ con hành hạ anh đến khổ. Tối tối chị cưỡi xe máy đi uống cà phê với mấy người trong cơ quan. Anh xách cái điếu cày sang ông hàng xóm. Có bữa chị về sặc mùi bia. Có người rỉ tai: “Không khéo cậu bị mọc sừng”. Anh lặng lẽ bám theo gót vợ. Anh đến phòng ông giám đốc. Hai chiếc xe máy dựng ở ngoài hiên, cửa phòng được khóa trái lại. Anh áp tai vào cánh cửa, nghe rúc rích tiếng cười. Lồng ngực muốn vỡ tung, anh như người điên. Anh kiếm ngay một thanh gỗ. Nhưng nỗi sợ hãi mơ hồ ập đến, anh bỏ ngay ý định đập nát hai cái xe. Anh lặng lẽ đạp xe về như người đi trên mây. Một chiếc xe máy đi ngược chiều, đèn pha chiếu thẳng vào mặt. Mặc! Anh cứ đạp…

Anh gãy một giò, cái đầu tróc một mảng tóc lạo xạo như trong có sỏi. Anh nằm viện cả tháng trời, họ hàng bên anh và thằng Vui con anh đến nuôi nhưng chị thì không. Chị nói: “đáng đời, rình mò cho lắm”…

*

*      *

Tòa xử cho anh cái nhà ngang, nhà lớn phần của chị. Chị được quyền nuôi con, anh phải chu cấp hàng tháng. Đồ đạc trong nhà thì chia đôi. Anh đứng phắt dậy: “Tôi chẳng cần tiền của, con tôi mới là tài sản vô giá”. “ Không làm ra tiền lấy gì nuôi con” – chị vặc lại. “Không tiền mà lớn thành người, có tiền thành ma thành quỷ” – anh không chịu thua. Anh chị cãi nhau trước phiên tòa, làm tòa phải dừng lại để hỏi ý kiến đứa con. Thằng bé 10 tuổi, nó đòi theo anh dù biết sống với anh là khổ cực. Chị quắc mắt: “Có phải con anh đâu mà nhận. Không tin thì đi mà thử máu”. Té ra thằng Vui là con ông giám đốc ngân hàng. Thế là hết, anh hoàn toàn sụp đổ. Anh lững thững lê cái chân cà nhắc đi vô định trên đường. Anh sà vào quán rượu. Anh ngồi cho đến khi chủ quán nhắc anh về để ông đóng cửa. Anh thất thểu đi như một kẻ bại trận. Anh đứng tần ngần trước ngõ nhà mình một hồi lâu nhưng không vào. Anh bước vô hồn vào một ngôi nhà hàng xóm – nhà của cô giáo Hòa. Cô Hòa đen, to, cao, dữ tướng như đàn ông nên thời thanh xuân chẳng ai kén chọn. Sang tuổi 40 nhiều người chết vợ tưởng bở, nghĩ ăn tươi nuốt sống được liền. Đã bao người đàn ông sàm sỡ, ham hố bị cô tống ra khỏi cửa.

Anh nằm xoài ra giữa sân nhà cô rồi nôn thốc, nôn tháo. Cô Hòa hốt hoảng chạy sang gọi chị Lượng. Không biết chị Lượng đã ngủ chưa mà im hơi lặng tiếng. Đành phải bế anh lên giường vậy. Cô lấy vôi phết vào gan bàn chân cho anh rồi đặt dưới giường một cái chậu thau. Cô lật đật bắc nồi cháo đậu xanh lên bếp để anh giã rượu. Đến khuya khi anh hơi tỉnh, cô dỗ dành anh để bón từng thìa cháo như chăm bẵm đứa trẻ lên ba. Trời sáng tỏ cô bảo anh về kẻo người ta nhìn thấy. Cô đuổi, anh ngồi khóc hu hu. Thật khó xử…

Anh cứ ở liều, ban đầu thấy thật buồn cười, sau thành quen cũng nghe hay hay. Ngày lại ngày anh mua tre về đan rổ rá cho cô mang ra chợ bán. Anh hiền khô. Việc gì anh cũng làm. Họ sống với nhau như chồng vợ. Cô Hòa chẳng sinh cho anh được một mụn con. Bây giờ anh mới tin là chị Lượng nói đúng – anh vô sinh.

Anh về với cô Hòa được 10 năm thì vết thương tái phát. Ngày tiễn anh về với tổ tiên, người ta thấy cô giáo Hòa đi sau quan tài, chít khăn tang trắng. Trước xe tang, thằng Vui chống gậy, đội chiếc nón cời, giật lùi, đẩy lại. Nó gào lên: “Cha ơi!”  thật não ruột. Nó đã lớn thành người. Nó xin cơ quan về chịu tang anh, dù nó biết đối với anh – nó không ruột rà, máu mủ.

Trần Đức Niềm

Bình luận (0)