Hội nhậpThế giới 24h

Anh em Hồi giáo thúc giục “tử vì đạo”

Tạp Chí Giáo Dục

Tình thế của Anh em Hồi giáo ở Ai Cập có vẻ tuyệt vọng ngay cả khi các nhà lãnh đạo của nhóm này phát biểu lạc quan về khả năng chiến thắng các tướng lĩnh quân đội.

Phía sau những bao cát tại khu vực đóng trại của tổ chức Anh em Hồi giáo ở Cairo, một nhà hoạt động thúc giục những người ủng hộ hãy "tử vì đạo".

Đó không phải là lệnh động viên mà là một thông điệp kêu gọi họ không nên sợ chết khi xuống đường chống hành động lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi của quân đội.
“Người tử vì đạo không chết. Người tử vì đạo sẽ lên thiên đàng”, nhà hoạt động nói qua một loa phóng thanh khi người dân nâng cao những chiếc quan tài biểu tượng để tưởng nhớ hơn 100 người ủng hộ đã bị bắn chết trên đường phố.
Bị giáng đòn nặng bởi một trong những cuộc đàn áp dữ dội nhất trong lịch sử của mình, Anh em Hồi giáo đang sử dụng thứ ngôn ngữ khoa trương như một phần của chiến lược tồn tại trong cuộc chiến mà họ gọi là giữa thiện và ác. Chính phủ hôm 31-7 tỏ dấu hiệu cho thấy họ có thể tăng cường thực thi luật pháp, bởi họ cho rằng những cuộc biểu tình ngồi suốt 1 tháng qua của Anh em Hồi giáo ủng hộ ông Morsi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia không thể không mạnh tay, đồng thời xem xét đưa ra tòa 3 nhà lãnh đạo hàng đầu của lực lượng này.

Hàng trăm người ủng hộ Anh em Hồi giáo thề tiếp tục phản đối cho tới khi ông Morsi được phục chức. Ảnh: REUTERS
Cách thức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập xử lý cuộc khủng hoảng này có thể quyết định số phận của những người Hồi giáo khắp Trung Đông. Được khích lệ bởi sự tiếp quản của quân đội ở Ai Cập, những đối thủ của Hồi giáo đang gia tăng áp lực đối với các nhóm có cùng khuynh hướng ở Tunisia và Libya. Tình thế của Anh em Hồi giáo ở Ai cập dường như tuyệt vọng ngay cả khi các nhà lãnh đạo của nhóm này phát biểu lạc quan về khả năng chiến thắng các tướng lĩnh- những người cáo buộc họ kích động bạo lực và bắt đầu vũ trang. Đáp lại, Anh em Hồi giáo – vốn từ bỏ bạo lực từ vài thập kỷ trước đây – cho rằng cáo buộc đó sẽ là hành động tự sát chính trị.
Khalil al-Anani, một chuyên gia về Anh em Hồi giáo tại Đại học Durham ở Anh, nhận xét: “Về mặt lập trường, họ đang ở vào thế yếu. Họ không có bất cứ chương trình hành động nào khác ngay lúc này”.
Giới lãnh đạo Anh em Hồi giáo đã cố gắng để các hoạt động của họ được nghe thấy ở nước ngoài thông qua truyền thông quốc tế, thậm chí mời các nhà báo tham gia các chuyến đi thực địa để tận mắt chứng kiến các địa điểm của những người phản đối. Cùng đi với họ sẽ là những giới chức mà cho tới tháng vừa rồi vẫn còn là các bộ trưởng chính phủ. “Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đang ở giữa vòng vây nhưng chúng tôi cũng vây hãm họ”, Hosseini, một chính khách cao cấp của Anh em Hồi giáo phục vụ dưới thời ông Morsi, nói với hãng tin Reuters. Như những lãnh đạo khác, ông ấy tin rằng quân đội đang bị trói buộc, bởi ngăn chặn sự phản đối bằng bạo lực sẽ gây ra tai ương to lớn đối với Anh em Hồi giáo.
“Những gì xảy ra hôm thứ bảy vừa qua là một bài học rất tệ”, ông Hosseini tỏ ra giận dữ và mỉa mai rằng các lực lượng an ninh sẽ phải giết 100.000 người mới có thể chấm dứt biểu tình ngồi. Hôm thứ bảy lực lượng an ninh được cho là đã bắn chết hơn 80 người ủng hộ cựu tổng thống Morsi.
 Vòng xoáy bạo lực từ sau khi ông Morsi bị phế truất đã đổ thêm dầu vào mối lo của phương Tây về nguy cơ xung đột lan rộng ở Ai cập. Anh em Hồi giáo đã trở thành mục tiêu để người dân trút cơn giận dữ sau khi ông Morsi – vị tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên ở Ai Cập – bị cáo buộc cố tạo cho mình diện mạo của một nhà độc tài mới trong năm đầu tiên nắm quyền.
TƯỜNG MINH (NLĐ)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)