Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Giáo dục học sinh cách sống hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học sơ cấp ở Anh

Học sinh sơ cấp ở Anh sẽ được dạy cách hưởng cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, coi như một phần của chương trình học đang được xét lại toàn bộ – theo một báo cáo được ủy quyền của Chính phủ.
Báo cáo cũng viết những chủ đề cá nhân có thể sẽ được thay bằng 6 chủ đề “những lĩnh vực học hỏi”. Báo cáo do cựu thanh tra lão thành của Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục (Office for Standards in Education – Ofsted), Sir Jim Rose soạn thảo, đề nghị các bài học nên tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho trẻ sống cuộc sống ngoài trường học.
Báo cáo cũng kêu gọi có nhiều bài học hơn về những công nghệ tiên tiến cho học sinh.
Những công dân có trách nhiệm
Sir Jim đã được Chính phủ yêu cầu thực hiện xét lại “toàn bộ” những gì đang được dạy tại các trường sơ cấp.
Theo báo cáo tạm thời của ông, dạy các em về cảm xúc hạnh phúc và kỹ năng xã hội nên là một phần bắt buộc của chương trình. Học sinh cần có “những phẩm chất cá nhân, xã hội; cảm xúc chủ yếu về sức khỏe, hạnh phúc và đời sống của mình như một công dân có trách nhiệm trong thế kỷ 21”. Báo cáo đã tìm cách tiếp cận linh động hơn đối với việc học, nhấn mạnh tầm quan trọng của chơi đùa trong phát triển trẻ. 
Việc xét lại cũng tìm cách sao cho có nhiều quãng thời gian nghỉ hơn giữa thời khóa biểu.
Báo cáo đề nghị sẽ có 6 “lĩnh vực học hỏi” rộng hơn, thay vì hiện có đến 14 chủ đề cá nhân như lịch sử, địa lý và khoa học… Sáu lĩnh vực đó là các kiến thức: tiếng Anh, giao tiếp và ngôn ngữ; toán học; khoa học và kỹ thuật; con người, xã hội và môi trường; sức khỏe thể chất và hạnh phúc; nghệ thuật và thiết kế. Nhưng Sir Jim nhấn mạnh những lĩnh vực chủ đề mới này không nhằm phá hủy nội dung của những chủ đề cá nhân.
Theo ông: “Điều chúng tôi muốn thực hiện ở đây là dạy kiến thức, kỹ năng mà trẻ cần, và bảo đảm cho chúng có nhiều cơ hội sử dụng những kiến thức, kỹ năng ấy vào việc phát triển hiểu biết”.
Sir Jim cũng cho rằng chương trình học sơ cấp cần phản ánh những thay đổi trong trải nghiệm của trẻ và cần nhận thức rằng nhiều em nhỏ nay đã phát triển kỹ năng vi tính tại nhà của các em.
ICT và podcast
Ông nói trình độ những bài học về thông tin, giao tiếp và kỹ thuật (ICT) đang dạy trong các trường cấp hai nay có thể dạy cho học sinh trong độ tuổi sơ cấp. Sir Jim đề nghị những kỹ năng kỹ thuật như vậy cũng có thể sử dụng trong những bài học khác, như dùng internet vào việc nghiên cứu, xử lý văn bản (word-processing) và thực hiện podcast (bản thu số của một chương trình phát thanh dành riêng cho internet mà người dùng phải download về máy tính hoặc thiết bị âm thanh).
Theo ông: “Dạy tốt ở sơ cấp đào sâu, mở rộng kiến thức của trẻ bằng cách nung đúc trí tưởng tượng và thú vị khi học. Một con đường đầy hứa hẹn là đáp ứng yêu cầu dạy và học đi vào chiều sâu chắc chắn nảy sinh thông qua ICT. Giáo trình học sơ cấp cần nhìn về phía trước”. Ông nói những tiến bộ trong công nghệ và cách mạng internet đang là động lực để có bước thay đổi không thể nào tưởng tượng nổi cách nay 20 năm.
Báo cáo cũng nói những trẻ ra đời vào mùa hè có thể bắt đầu đến trường sơ cấp vào tháng 9 sau sinh nhật lần thứ tư, nhưng một số trẻ cũng có thể bắt đầu đến trường bán phần nếu phụ huynh thích vậy – một chi tiết vừa mới được tiết lộ. Tại một số khu vực các em bắt đầu học kỳ đầu trễ hơn so với các em cùng tuổi nhưng sinh vào mùa đông.
Điều này nhằm đáp ứng quan ngại những trẻ chào đời trong tháng 7 và 8 có thể bị bất lợi do bắt đầu đến trường trước khi các em đã sẵn sàng.
Bộ trưởng Trẻ em Ed Balls nói báo cáo đưa ra một sự hiểu biết sâu sắc về những thay đổi có thể giúp cải thiện giáo trình và chuyển dịch theo thời gian. Ông nói thêm: “Những phụ huynh hồi thế hệ chúng ta có thể không nhận thức được, thí dụ, trẻ hiện nay tiếp thu kỹ năng vi tính nhanh ra sao. Chúng ta cần những trường học của thế kỷ 21 đưa ra hầu hết mọi cơ hội kỹ thuật để giới trẻ hiểu biết về vi tính”. 
Bản báo cáo xét lại hoàn chỉnh sẽ được công bố vào mùa xuân năm 2009, với những đề nghị được Chính phủ chấp thuận sẽ được áp dụng từ tháng 9-2011.
Cẩn trọng ICT
Quyền tổng thư ký Hội Giáo viên Quốc gia Christine Blower nói: “Tôi nghĩ những trường sơ cấp và Sir Jim Rose nên cẩn trọng ít nhiều về nâng ICT ở trình độ biết đọc, biết tính toán và sức khỏe cá nhân. Theo nghĩa giúp cho các kỹ năng đọc và viết, nó có thể hữu ích, nhưng đó không phải những kỹ năng mà bạn có thể cố dạy để rồi lại đi quá đà, gây ảnh hưởng xấu”.
Còn Tổng thư ký Hội các nhà giáo dục toàn nước Anh (Nasuwt) Chris Keates hoan nghênh đề cập theo thể chính luận của báo cáo xét lại: “Đề nghị một cách tiếp cận linh động hơn đối với giáo trình sẽ được các giáo viên hoan nghênh về nguyên tắc. Tuy nhiên, chưa rõ những lợi ích của việc này có cảm nhận khi mà các trường vẫn còn bị áp đặt bởi thành tích trên danh sách. Xét lại của Rose đưa ra một cơ hội để gạt bỏ phương pháp cổ lỗ sĩ, gây bất hòa giữa các trường”.
Phát ngôn viên David Laws về Trẻ em của Đảng Dân chủ Tự do nói các trường cần có quyền tự do hơn để đề ra những ưu tiên dạy thứ gì, chứ không phải một sắp xếp mới theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông nói: “Trong khi những kỹ năng ICT là hết sức quan trọng, chúng không thể coi là hơn cơ bản tốt của trẻ về đọc viết và tính toán”.
Quang Hùng (theo BBC)

Bình luận (0)