Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Hiệu trưởng bị sa thải như… HLV bóng đá!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngồi chưa nóng ghế đã bị sa thải
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội các lãnh đạo trường cao đẳng và trường học Anh (ASCL) đưa ra vào ngày 6-3, trong năm 2008, có khoảng 150 hiệu trưởng và hiệu phó của các trường THCS bị sa thải. Giáo sư John Howson, giám đốc tổ chức Khảo sát dữ liệu giáo dục đề nghị phải điều tra tại sao nhiều lãnh đạo nhà trường bị mất việc. Ông cảnh báo nghề hiệu trưởng đang ngày càng trở nên khắc nghiệt như nghề HLV giải Ngoại hạng Anh!
Cách đây bốn năm vào niên học 2004-2005, chỉ có 30 hiệu trưởng và hiệu phó bị sa thải. Số các lãnh đạo trường THCS bị sa thải cao một phần là do Chính phủ đưa ra sáng kiến Thách thức giáo dục, tập trung cải thiện chất lượng học tập ở các trường THCS có nhiều học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp quá kém. Chính áp lực cải thiện kết quả thi cử mà con số các hiệu trưởng, hiệu phó ở Anh phải rời ghế ra đi leo thang. 50% số hiệu trưởng và hiệu phó bị sa thải do cơ quan giáo dục của địa phương lo ngại về năng lực của họ.
Một nguyên nhân nữa là do Chính phủ mở rộng chương trình thành lập các trường THCS mới nằm dưới sự quản lý và bảo trợ của các nhà thờ, tổ chức từ thiện, tổ chức doanh nghiệp hoặc các trường đại học. Các trường này tự do quyết định chương trình giảng dạy, mức lương giáo viên và cả việc bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường. Các tổ chức bảo trợ cho các trường này dễ dàng sa thải một vị hiệu trưởng không làm hài lòng họ.
Tiến sĩ John Dunford, Tổng thư ký ASCL cho rằng cần có thời gian để cải thiện kết quả điểm thi cử ở một trường có tỷ lệ học sinh điểm thi thấp quá cao. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng chưa được cho đủ thời gian để vực dậy kết quả học tập của học sinh thì đã bị sa thải. Tiến sĩ John Dunford phê phán quy trình sa thải đối với hiệu trưởng hiện nay là “quá nhanh và tàn bạo”. Một số hiệu trưởng nhậm chức chưa quá một tuần đã bị sa thải. Ông cho rằng các cơ quan giáo dục địa phương đã đặt ra các kỳ vọng phi hiện thực đối với các lãnh đạo nhà trường.
Hầu hết các hiệu trưởng và hiệu phó đều ký một thỏa thuận nhận một khoản bồi thường để ra đi. ASCL đã dàn xếp giúp các hiệu trưởng và hiệu phó được bồi thường tổng cộng 4,3 triệu bảng (1 bảng = 24.536 đồng VN) trong năm 2008. Trường hợp được bồi thường cao nhất là 100.000 bảng, thấp nhất là 5.000 bảng. Theo Tiến sĩ John Dunford, mức bồi thường này chưa xứng đáng.
Tỷ lệ sa thải quá cao khiến các chuyên gia giáo dục lo lắng sẽ thiếu lãnh đạo các trường trong những năm tới khi khoảng phân nửa số hiệu trưởng hiện nay đến tuổi về hưu vào năm 2012. Tỷ lệ sa thải cao cũng khiến những ứng cử viên cho chức vụ hiệu trưởng phải suy nghĩ thận trọng khi tiếp nhận chức vụ này.
Lương cao, áp lực cao
Khi bị chất vấn về con số lãnh đạo các trường bị sa thải quá lớn, Thứ trưởng Bộ Trẻ em, Trường học và Gia đình ông Jim Knight phân bua: “Quyết định liên quan đến các lãnh đạo nhà trường là vấn đề của các cơ quan giáo dục địa phương và cơ quan chủ quản. Chúng tôi không có bằng chứng về việc các hiệu trưởng và các lãnh đạo nhà trường có năng lực bị mất việc”.
Ông Knight cho rằng nghề hiệu trưởng là một nghề hấp dẫn và lương cao. Lương trung bình của họ đã tăng 29% kể từ năm 1997.
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hiệu trưởng ở Anh được trả lương tốt nhất trên thế giới. Trong những năm gần đây, tính chất công việc của hiệu trưởng cũng đã thay đổi, một trường có thể có nhiều lãnh đạo đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Do vậy, một hiệu trưởng có thể điều hành nhiều trường cùng một lúc. Tuy nhiên, trách nhiệm và vai trò của họ cũng tăng lên, chính vì thế nghề hiệu trưởng khá áp lực.
Hiện nay, mức lương của hiệu trưởng đã vượt quá 100.000 bảng/năm (hơn 2,4 tỷ đồng VN), tuy nhiên nhiều trường vẫn chưa tuyển được hiệu trưởng. Các trường phải rao quảng cáo tuyển hiệu trưởng nhiều lần nhưng rất khó tìm được ứng cử viên vừa ý. Tổ chức Khảo sát dữ liệu giáo dục cho rằng các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Anh đang khủng hoảng… hiệu trưởng.
Tiến sĩ John Dunford nhận định các hiệu phó (ứng cử viên sáng giá cho chức hiệu trưởng) thừa biết rằng chức hiệu trưởng sẽ mang lại thu nhập khác biệt đối với mức hiện tại của họ. Tuy nhiên, các hiệu phó vẫn không đón nhận vì cho rằng mức lương hiệu trưởng hiện nay vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm, áp lực của công việc.
Lê Hoàng
 (Theo BBC, Daily Mail)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)