Ánh Hoa và Thanh Sang trong trích đoạn Kiều Nguyệt Nga – Ảnh: H.Kim
|
Quanh co mãi trong khu vực quận 8 ( TP.HCM), cuối cùng tôi cũng tìm được nhà bà, khuất trong một con hẻm dốc ngược từ chân cầu chữ Y xuống. Con hẻm mở ra một không gian yên tĩnh, xinh xắn với những ngôi nhà nho nhỏ trồng hoa kiểng xanh mát, yên bình. Trước nhà bà Ánh Hoa cũng có mấy chậu mai thật lớn, lá che kín khung cửa sổ. Một con chó Nhật lông trắng nhảy lên sủa inh ỏi. Bà ôm nó vào lòng, vừa rầy vừa nựng.
Một mình ở trong căn nhà, cũng phải có ai làm bạn chứ. Mấy đứa con có chồng có vợ ra riêng hết, hai vợ chồng người em trai mới dọn về ở chung với bà thì đi làm. Sáng, nếu không đi đóng phim thì bà thức dậy sớm, ngồi thiền một chút, sau đó đi chợ, lo bữa cơm, nhịp sống bình yên. Dáng nhỏ nhắn nhưng lẹ làng, khỏe mạnh, giọng nói còn rất vang, ai biết bà đã 68 tuổi. Bà cười: “Chủ yếu là cái tâm của mình, đừng bon chen toan tính, thì khỏe re hà! Con cái đòi nuôi nhưng tôi không chịu, mình còn làm việc được mắc gì về hưu sớm, bỏ phí. Đi làm cũng có niềm vui. Nhưng bây giờ hơi ngán đi xa, phim nào quay gần gần thì đỡ mệt hơn”.
Cả thời tuổi trẻ bà đã lang bạt kỳ hồ theo gánh hát cải lương, ăn chợ ngủ đình, lênh đênh trên chiếc ghe bầu trôi khắp miền sông nước. Ông bà ngoại là nghệ sĩ hát bội, cha mẹ bà là nghệ sĩ cải lương Văn Danh – Ánh Nguyệt cùng thời với Kim Chưởng, Thúy Nga, sinh bà ra ở một bãi hát tại Bến Tre, ngay trong đoàn Tỷ Phượng. Duyên số như vậy, làm sao không theo nghề cho được! Thế là mới 7 tuổi, Ánh Hoa lên sân khấu, nổi tiếng với vai Na Tra. Rồi bà lấy chồng là kép Minh Chí cũng nổi tiếng một thời với Út Trà Ôn, đặc biệt với kiểu ca rất hay trong bài bản xàng xê, nên được mệnh danh là “vua xàng xê”.
Hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời gạo chợ nước sông, cho tới năm 1976 thì về đoàn Trần Hữu Trang yên ổn. Ở đây, bà có những vai rất hay như nhũ mẫu trong Dương Vân Nga, bà mẹ trong Kiều Nguyệt Nga, bây giờ vẫn diễn lại cùng Bạch Tuyết trong các liveshow. Nhưng lúc ấy đời sống quá khó khăn, nên vài năm sau bà và chồng xin nghỉ hát, lui về bán cơm tấm ở dốc cầu chữ Y để nuôi bầy con ăn học. Bà lại cười: “Hồi mới bán tôi cũng hơi mắc cỡ, vì vốn là nghệ sĩ nay phải “xuống đời” như vậy. Nhưng rồi bán đắt quá, thu nhập bằng mấy lần lương, tự nhiên thấy vui, tính chuyện an phận cho xong”.
“Tôi làm theo kiểu xưa chứ không chạy sô theo bây giờ. Thà học thoại cho kỹ, ra diễn nhập tâm, vừa hiệu quả vừa không làm mất thời gian của đoàn phim”. Nghệ sĩ Ánh Hoa |
Nhưng rồi không an phận được. Đoàn làm phim Người tình của Pháp qua Việt Nam quay, người ta chọn mười mấy bà già đi casting cho vai bà Đô, cuối cùng Ánh Hoa lọt mắt xanh đạo diễn. Đạo diễn Trần Anh Hùng xem phim Người tình, liền giao cho Ánh Hoa vai bà Ty trong phim Mùi đu đủ xanh. Bà được sang Pháp quay ba tháng, tiền thù lao rất cao. Sau này bà còn tham gia Sài Gòn nhật thực cũng của Pháp. Anh em trong đoàn phim nói vui: “Sao ngộ hén, mấy anh Tây thấy mặt bà Hoa là khoái liền!”. Bà như bị lôi ra khỏi nơi “ở ẩn”, từ đó cứ được mời liên tục, nào Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Xóm nước đen, Hải Nguyệt, Giao thời, Giã từ dĩ vãng, Người Bình Xuyên, Mùa len trâu…
Ánh Hoa hầu hết vào vai những bà mẹ Việt Nam hy sinh, nhẫn nhục, nhưng cũng đầy sức mạnh cho đàn con nương tựa. Gương mặt bà phúc hậu, dịu dàng nhưng cũng rắn rỏi, nghị lực, chứ không yếu mềm, bi quan. Trong Đất phương Nam, bà Tám là má của Út Trong, khi nghe tin mấy đứa con mình đều bị Tây bắn chết, bà đã băng đồng chạy trên bờ kinh xáng, nhưng rồi đau đớn quỵ xuống, làm khán giả khóc như mưa. Rồi bà vào vai những bà mẹ khác cũng đi qua chiến tranh, anh hùng, gan góc, với chiếc áo bà ba và khăn rằn quen thuộc.
Hầu như vai nào bà cũng khóc vì mất mát, đau thương, và các đạo diễn thường khai thác nước mắt của bà để khán giả khóc theo. Đôi khi giọt lệ chỉ ứa ra trong đôi mắt già nua, không cần cường điệu, mà người xem đã rưng rưng cảm động. Ánh Hoa diễn chân thật, và tay nghề vững vàng tới mức hầu như chỉ quay một lần là đạt, ít khi nào phải quay lại lần hai, lần ba.
Thảo nào các đạo diễn không “mê” sao được! Đặc biệt bà không chịu lồng tiếng, mà thích thu âm trực tiếp để diễn có hồn hơn, nhập vai hơn. Chính vì vậy bà luôn đòi kịch bản để học cho thuộc. Cách làm của bà tưởng rằng chậm nhưng lại hóa nhanh.
Đạo diễn và anh em còn thương bà ở chỗ dù gặp hoàn cảnh vất vả thế nào bà cũng không phiền hà, yêu sách. Có khi đoàn chỉ cần đóng một phân đoạn thôi, bà cũng sẵn sàng tham gia, vì biết anh em cần “gương mặt” mình trên phim mới mời. Bà đặt tấm lòng vào tác phẩm, y như ngày xưa đã mê cải lương mà đi theo cả thời xuân sắc.
Hoàng Kim (Theo TNO)
Bình luận (0)