Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Học sinh có ảnh hưởng lớn đến sự bổ nhiệm giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

 

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm. Ảnh: I.T

“Học sinh ngày càng có tiếng nói trong việc quyết định chọn giáo viên cho mình”, chủ biên Báo Giáo Dục Richard Garner cho biết. Trẻ em ngay từ 12 tuổi được quyền có tiếng nói trong việc bổ nhiệm giáo viên mới, trong vài trường hợp còn có quyền phủ quyết các ứng cử viên do nhà trường đề ra.
Một giáo viên tâm sự, nhiều học sinh chấm rớt một ứng viên vì lí do hết sức đơn giản “ông ấy trông giống như Humpty Dumpty (nhân vật béo lùn trong phim hoạt hình)”, trong khi các ứng viên khác lại được bình chọn vì họ hát trúng ca khúc yêu thích của bọn trẻ. “Ban hội thẩm của các trường có nhiệm vụ phỏng vấn hay thậm chí bắt các ứng viên trả lời câu hỏi của từng học sinh trong ban sau khi vượt qua phần kiểm tra chuyên môn chính thức”, phóng viên Báo Independent cung cấp thêm thông tin. Ngoài ra, học sinh còn được huấn luyện cách quan sát bài giảng và lập các bản tường trình đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên rồi trình lên những người có tiếng nói trong trường. Một nữ sinh trong ban hội thẩm tại buổi phỏng vấn đã đưa ra một câu hỏi mang tính quyết định cho ứng viên: “Nếu em cần sự giúp đỡ sau khi tan học, cô/ thầy sẽ làm thế nào để đáp ứng yêu cầu?”. Và kết quả là tất cả các ứng viên đều bị loại vì không ai có câu trả lời thỏa đáng cho em học sinh này.
Một giáo viên tỏ ra bức xúc sau khi được mời phỏng vấn cho vị trí làm việc toàn thời gian ở ngôi trường mà cô hoàn tất khóa tập huấn vài ngày trước: “Tôi cảm thấy thật không công bằng và bối rối khi phải đối mặt với học sinh trong buổi phỏng vấn. Thật vô lý khi một giáo viên trường trung học ở Staffordshire lại bị phỏng vấn bởi những học sinh 12 tuổi”. Một người khác thú nhận mình đã bị đánh rớt vì một trong số các câu hỏi được cho là ngớ ngẩn và sau đó lại được an ủi “Cô đừng buồn – đó thật sự là một câu hỏi hóc búa”. Một giáo viên khác có nhiều năm gắn bó với nghề cho rằng: “Sẽ là một gánh nặng khi mọi quyết định đều có sự tham gia của các ban hội thẩm học sinh”. Vì vậy, ông yêu cầu các nhà phân tích thu thập những bản báo cáo và đưa lên Liên đoàn các trường quốc gia hay Hiệp hội Giáo viên tại hội nghị được tổ chức hàng năm ở Birmingham.
Việc thành lập ban hội thẩm học sinh ngày một gia tăng bởi sắc lệnh Chính phủ ủng hộ hiến chương về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc nói rằng: “Trẻ em được tự do bày tỏ nguyện vọng, quan điểm, ý kiến cá nhân của mình”. Trong mọi vấn đề liên quan tới trẻ em, cách nhìn nhận cũng như suy nghĩ của chúng đều có “sức nặng” liên quan tới độ tuổi và sự trưởng thành.
Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, các trường phải khuyến khích giáo viên đảm bảo tiếng nói của các em học sinh tới Chính phủ. Tuy nhiên, NASUWT – Hiệp hội Giảng dạy lớn thứ nhì Anh quốc khuyến cáo, câu hỏi của học sinh nhiều khi không được hợp lí và các em không thể ngồi vào ghế của ban hội thẩm bởi độ tuổi chưa thích hợp cho vị trí này.
Ông John Rivers – một giáo viên ở Kent vừa có buổi nói chuyện với Hiệp hội Giáo viên cho biết: “Một trường trong thành phố đã đưa IPhone để học sinh ghi lại những cảm nhận của bản thân, đánh giá về chất lượng buổi học, sau đó ghi ra giấy rồi đưa cho giáo viên chủ nhiệm”. Mới đây, các đại biểu của NASUWT đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm đề ra những biện pháp chống lại tình trạng lạm quyền của học sinh mà chưa có sự chấp thuận của ban tư vấn.
Tuy nhiên, các giáo viên chủ nhiệm lại ủng hộ việc làm này. Ông John Dunford, thành viên của Hiệp hội Lãnh đạo các trường phát biểu: “Nhà trường nên hưởng ứng việc để học sinh liên quan tới các lĩnh vực nhất định vì nó cần thiết cho sự phát triển của các em. Điều đó được thể hiện thông qua quá trình khảo sát ý kiến, cách làm việc của hội học sinh, ban hội thẩm và ngay cả sự quan sát trong giờ học. Thật hữu ích khi các học sinh tham gia vào buổi phỏng vấn về cách giảng dạy nhằm để tân giáo viên nhận được sự ủng hộ từ các em cũng như từ những giáo viên trụ cột. Ứng viên nào không thuyết phục được học sinh thì rất khó đạt hiệu quả trong quá trình giảng dạy”.
(Nguồn independent.co.uk)
Thiên Kim

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)