Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Học xuyên quốc gia nhờ internet

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Khái niệm học tập ngày nay không gắn liền với giảng đường, giảng viên, bằng cấp, tuổi tác… Học tập có nghĩa là “nạp năng lượng kiến thức”, còn “nạp” cái kiểu nào là tùy theo khả năng, hoàn cảnh kinh tế, thời gian của mỗi người. Sử dụng internet để giảng dạy từ xa cho nhiều sinh viên trên thế giới đang được nhiều trường ở nước Anh áp dụng và bước đầu có những hiệu quả nhất định.
Chi phí rẻ nhưng hiệu quả
Sử dụng internet có thể làm được nhiều việc: mua vé tàu, máy bay, so sánh tiền bảo hiểm máy bay để đặt vé cho có lợi, mua hàng, tra cứu thông tin khoa học, kết nối bạn bè năm châu… Thế thì việc học tập thông qua những giáo trình phát trên mạng là chuyện không có gì mới lạ trong một thế giới hòa nhập đa chiều, đa thông tin. Trên tinh thần đó các trường thương mại ở Anh đưa bài giảng lên mạng để thu hút sinh viên ngoại quốc. Tất nhiên họ cũng phải tính toán lợi ích kinh tế khi làm điều đó, nhưng đó không phải là mục đích chính (ít nhất theo lời họ nói!)
Ông Jonathan, Chủ tịch Ban Chấp hành Hiệp hội các trường thương mại (đại diện hơn 100 trường ở Anh) nói: “Các bài giảng trên mạng là một nét mới của nền giáo dục hiện đại, và đã có kết quả tốt”. Từ nay tài liệu học đủ loại, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng được phổ biến trên mạng, không những có lợi cho những người tự học ở bất cứ hoàn cảnh nào, mà còn có lợi cho những người đang học tại trường. Chi phí học tập rẻ hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo”. Thật vậy, với cách học này sinh viên đỡ tốn kém hơn rất nhiều về tiền sinh hoạt, đi lại…
Trường Quản lý của Đại học Leicester đề nghị ba bằng master (thạc sĩ) về tài chính, marketing, và quản lý mà nội dung cũng giống như nội dung dạy ở trường chính quy, kể cả các kỳ sát hạch. Mỗi năm có gần 250 người theo học bằng cách này ở một trong ba ngành trên, thời gian học là hai năm rưỡi. Đa số là sinh viên ở Trung Đông, Đông và Tây Phi, vùng Caribe, cũng có một số ở Anh và châu Âu. Nhà trường không nhất thiết liên hệ với sinh viên qua internet, mà phối hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau: gửi tài liệu qua bưu điện, giới thiệu cho sinh viên tài liệu cần tham khảo ở thư viện gần nhất. Sở dĩ phải làm như vậy vì không phải ở đâu cũng có thể truy cập internet thuận lợi, nhất là ở những vùng chưa phát triển ở châu Phi và vùng Caribe.
Mở rộng trong cả nước
Với cách học này người học không được trực tiếp nghe giáo sư giảng, hoặc trình bày cặn kẽ điều muốn giải đáp sâu hơn. Để khắc phục nhược điểm này nhà trường tổ chức một mạng lưới “đặc phái viên” được phân phối trên khắp thế giới để giúp sinh viên. Các “đặc phái viên” này là điểm tiếp xúc của người học với trường. Trường cũng tổ chức những lớp học hè ở Leicester cho sinh viên ở xa, học không bắt buộc. Hệ thống mạng lưới này rất cơ động, có thể đổi địa điểm khi cần, tùy sự phân bố sinh viên theo học kiểu này. Khóa học này có một lớp ở Miami cho sinh viên vùng Caribe vào tháng 5 và tháng 6 sang năm. Về sau này có thể bắt buộc sinh viên phải dự các lớp học kiểu này.
Càng ngày càng có nhiều trường ở Anh mở ra các hình thức giảng dạy từ xa, tùy theo nhu cầu. Mới đây nhất Trường Thương nghiệp Warwick có chương trình học lấy bằng master về quản lý, mở vào tháng 4 sang năm với khoảng 50 sinh viên. Chương trình học theo dự kiến đòi hỏi sự làm việc cá nhân và sự tham gia vào những lớp học ảo trên mạng. Nhưng, theo lời ông Michael Shulver, giám đốc giáo vụ, “cách học nào cũng phải phù hợp với khả năng trang thiết bị của sinh viên”. Mỗi tháng có hai buổi sáng thứ bảy sinh viên làm việc theo nhóm trên mạng vi tính với sự hướng dẫn của giảng viên. Trong các buổi đó sinh viên có thể trao đổi ý kiến, trình bày công trình nghiên cứu, tranh luận. Các kỳ sát hạch được tổ chức hầu như khắp nơi trên thế giới, ở những địa điểm thích hợp cho sự đi lại của sinh viên theo từng vùng.
Phan Thanh Quang
 (Theo Courrier international)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)