Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ảnh hưởng của hẹp bao quy đầu đến sức khỏe sinh sản

Tạp Chí Giáo Dục

 Ảnh: corbisHẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Bình thường, ở trẻ nhỏ “bao da” vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp bao quy đầu.

Khi mới sinh, đa số trẻ có tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Trong 3 – 4 năm đầu, do dương vật to ra, lớp bề mặt da (gọi là thượng bì) bong ra, tích tụ lại thành chất bợn nằm bên dưới da quy đầu, giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu. Nhờ những lần dương vật cương khi buồn tiểu, khi ngủ mà bao quy đầu tự tuột hẳn xuống được. Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được. Chỉ có không tới 1% người lớn trên 16 tuổi mà bao quy đầu bị hẹp thật sự.

Sự ảnh hưởng của hẹp bao quy đầu đến sức khỏe sinh sản

Hẹp bao qui đầu không gây vô sinh vì tinh dịch vẫn qua lọt, nhưng hẹp thì dễ bị nhiễm trùng bao quy đầu và đường tiểu. Người bị hẹp bao quy đầu dễ bị ung thư dương vật hơn người không hẹp hay hẹp nhưng đã cắt rồi.

Hiện nay còn nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được việc kiểm tra xem con mình có bị hẹp bao quy đầu hay không, đồng thời cũng không biết cách vệ sinh sạch sẽ, tránh cho các cháu bị viêm nhiễm, dẫn đến viêm đường tiết niệu. Khi không được vệ sinh sạch sẽ, sự tích tụ các chất cặn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Lâu dần thành viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí dẫn tới ung thư dương vật.

Cắt bao quy đầu có ảnh hưởng gì không?

Ở trẻ nhỏ, nếu thấy trẻ bị bí tiểu, hay cháu khi tiểu thì khóc thét và bao quy đầu căng phồng như bong bóng thì có thể cháu bị hẹp bao quy đầu thật sự, khi đó bố mẹ cần đưa đến bác sĩ khám. Trẻ đã 4-5 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột xuống được thì có thể bôi kem có corticosteroid (0,1% dexamethasone) lên bao quy đầu, 2-3 lần mỗi ngày trong khoảng 4-6 tuần thì 2/3 trường hợp bao quy đầu bong ra, tuột xuống được. Trẻ 7-8 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột được và bôi thuốc không kết quả, nhất là khi tiểu có hiện tượng bao quy đầu căng phồng như bong bóng hay trẻ thường bị viêm bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Cắt bao quy đầu là cắt bỏ phần da che phủ quy đầu. Đây là một phẫu thuật đơn giản được thực hiện ở các cơ sở y tế, chỉ cần gây tê tại chỗ đối với người lớn (trẻ em thì phải gây mê). Thời gian phẫu thuật trung bình từ 20 – 30 phút, liền vết thương sau 10 ngày và có thể sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Quang Dũng (theo suckhoedoisong.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)