Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đến sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Vài năm gần đây, các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc phải hứng chịu nhiều đợt rét đậm và rét hại liên tiếp, gây ảnh hưởng lớn không những đến vật nuôi cây trồng mà còn tới sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em, người già, người có bệnh lý (tim mạch, hô hấp), người phải làm việc ngoài trời…

 Cần giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh.
Rét đậm và rét hại kéo dài đã làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch cũng như các bệnh hô hấp khoảng 10-20%, đồng thời các bệnh lý này cũng là những nguyên nhân chính gây tử vong vào mùa rét. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của đợt rét đối với tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có thể kéo dài sau 7 – 14 ngày, còn đối với bệnh hô hấp từ 15 – 30 ngày.
Cơ thể điều hòa thân nhiệt như thế nào?
Cơ thể con người chống lại lạnh nhờ cơ chế tự điều hòa thân nhiệt. Cơ chế này được thực hiện nhờ hệ thống thần kinh, nội tiết, tim mạch và hô hấp để giữ cho nhiệt độ hằng định ở mức 37oC. Nhiệt độ môi trường càng giảm thì mất nhiệt càng tăng, có trường hợp gây hạ nhiệt (Hypothermie) và dẫn đến tử vong.
Rét đậm và rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như thế nào?
Cơ thể phản ứng với cái rét qua nhiều cơ chế:
Tăng trương lực giao cảm, tăng áp lực máu, dẫn đến tăng huyết áp động mạch; tăng nhu cầu oxy của tim; tăng số lượng hồng cầu và tiểu cầu, dẫn đến độ nhớt của máu tăng; tăng yếu tố hoạt hóa tiểu cầu và fibrinogen, giảm tỉ lệ kháng thrombin III (yếu tố quan trọng trong ức chế quá trình đông máu), dẫn đến tăng mức độ đông máu.
Khi nhiệt độ môi trường quá giảm gây stress do lạnh hoặc khi tổn thương hệ thống tự điều hòa thân nhiệt thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ở những người đã có bệnh lý mạch vành, có thể tăng lên về cường độ cũng như về thời gian cơn đau thắt ngực hoặc dẫn đến nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành gây hẹp khít lòng mạch.
Rét cũng làm tăng huyết áp động mạch, tăng độ nhớt của máu, xơ vữa động mạch, có thể là nguồn gốc của tai biến mạch máu não thể nhồi máu.
Nhiễm lạnh cũng là một yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý mạch máu não cũng tăng hơn khi chuyển mùa hoặc thay đổi thời tiết.
Bệnh lý đường hô hấp: hít không khí lạnh gây kích thích niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và là yếu tố khởi phát cơn hen ở những bệnh nhân đã có tiền sử bệnh hen. Nhiễm khuẩn đường hô hấp chiếm khoảng 25% và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn ở mùa đông.
Hạ thân nhiệt là biến chứng nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng xấu tới não bộ và tử vong, đặc biệt ở người già, trẻ em, người không có nhà ở, hoặc người làm việc quá lâu ở ngoài trời lạnh…
Được gọi là hạ thân nhiệt khi nhiệt độ cơ thể dưới 35oC.
Khi thân nhiệt từ 32 – 35oC: người bệnh thấy lạnh cóng và rét run, thở nhanh và mạch nhanh.
Từ 28 – 32oC: da xanh, lạnh, môi và đầu chi tím, chân tay mất sự mềm mại, rối loạn hành vi, lú lẫn, khó diễn đạt dẫn đến hôn mê, không còn run nữa.
Từ 25 – 28oC: da lạnh như da người chết, nhịp tim rời rạc, ngừng tim.
Rét còn gây cước chân tay. Những trường hợp cước nặng, cơ quan bị tổn thương có thể bị mất cảm giác kéo dài hoặc suốt đời, thậm chí dẫn đến hoại thư và có thể phải cắt cụt (ví dụ: mũi, lưỡi, tai, ngón chân, ngón tay).
Gián tiếp gây ngộ độc khí carbon monoxyd (CO) do dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín…
Một số khuyến cáo
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cần mặc quần áo ấm cho phù hợp với mức độ rét, đặc biệt ở trẻ em vì trẻ em dễ bị mất nhiệt do tỉ lệ diện tích da/trọng lượng cơ thể tăng; nên đội mũ, quàng khăn, đeo khẩu trang, găng tay, tất… khi ra khỏi nhà vì những vùng da không được phủ kín là nơi gây mất nhiệt, đặc biệt vùng đầu mặt gây mất nhiệt chiếm khoảng 40% toàn bộ cơ thể; nên ăn hoặc uống đồ ấm; không nên uống rượu khi ở ngoài trời lạnh vì rượu gây mất nhiệt nhanh dẫn đến hạ nhiệt; nếu trời mưa hoặc có tuyết, nên mặc quần áo không thấm nước; cởi bỏ quần áo hoặc giày dép bị ướt càng sớm càng tốt; không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc khi trời quá lạnh đối với những người cao tuổi hoặc mắc các bệnh lý tim mạch, hô hấp…
Nên đưa bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, hạ thân nhiệt, cước chân tay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín vì gây ngộ độc khí CO.
BS. Khúc Thị Nhẹn ( Bệnh viện E Hà Nội)
Theo Sức khoẻ & Đời sống
 

Bình luận (0)