Quá trình học tập tại New Zealand đã củng cố quan niệm “con người là một phần của hệ sinh thái của tôi”, chị Lê Thị Kim Ngân (Ngân Lê) – thạc sĩ ngành Quản lý Môi trường tại ĐH Auckland (New Zealand) chia sẻ. Đó cũng là nguồn cảm hứng để chị cùng đồng nghiệp thực hiện dự án nâng cao vị thế cho phụ nữ tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Chị Ngân Lê trong một buổi tập huấn với các phụ nữ vùng cao
Đi du học để hiểu về môi trường
Sinh ra trong một gia đình làm nghề kinh doanh, chị Ngân Lê chưa bao giờ có ý định làm việc ở tổ chức phi chính phủ (NGO) dù luôn ấp ủ tình yêu với các hoạt động cộng đồng. Một cách tình cờ, công việc thực tập tại Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) đã nối những cơ duyên đầu tiên khi chị tiếp xúc và thấu hiểu những đánh đổi của người dân địa phương đằng sau mỗi dự án thủy điện. Đến năm 2014, chị đảm nhiệm vị trí cán bộ truyền thông Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), một tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu Việt Nam về bảo tồn thiên nhiên. Trong quá trình làm việc, chị nhận ra những buổi tập huấn ngắn hạn không đủ để khỏa lấp khoảng trống kiến thức. Khao khát vươn đến vùng trời kiến thức đã thôi thúc chị nộp đơn xét duyệt Học bổng Chính phủ New Zealand (Manaaki New Zealand Scholarship) và thực hiện ước mơ du học.
Đam mê công tác xã hội đã đưa chị Ngân Lê đến với New Zealand
“Tôi chọn New Zealand do phong cảnh đẹp, hồ sơ học bổng đơn giản và là một trong số ít học bổng tôi có thể mang gia đình đi theo. Tôi cũng nhận thấy một điểm tương đồng khá thú vị giữa New Zealand và Việt Nam là quyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người bản địa. Cộng đồng người Maori tại vùng đất này có truyền thống bảo vệ thiên nhiên gồm đất, nước, rừng và tôi dự định sẽ tìm hiểu về chủ đề này nếu được du học New Zealand”, chị Ngân Lê chia sẻ.
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở vùng cao
Cơ hội học tập tại ĐH Auckland đã cho chị Ngân Lê cái nhìn thấu đáo hơn về quan niệm “con người là một phần của hệ sinh thái”. Chị chia sẻ: “New Zealand có hẳn một ngành học về truyền thống của người Maori. Dù không trực tiếp nghiên cứu nhưng tôi đã hiểu hơn qua các tài liệu ở trường. Vào năm cuối, tôi được làm một chủ đề khá thú vị là du lịch. Kinh doanh du lịch vừa phải thu được lợi nhuận, vừa phải hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường song song với hỗ trợ cộng đồng. Thông qua việc hỗ trợ người dân địa phương bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại khu vực, chúng ta có thể hướng đến việc bảo vệ tài nguyên chung của đất nước”. Nền tảng kiến thức vững chắc xây dựng tại New Zealand đã giúp chị tự tin hơn trong công tác nghiên cứu.
Chị Ngân Lê (áo dài đỏ) chia sẻ kết quả dự án với Thủ tướng New Zealand trong chuyến thăm tại Việt Nam. Ảnh: ENZ
Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ Quản lý Môi trường, chị quay lại PanNature và tiếp xúc sâu hơn với công việc chuyên môn. Trong một lần tham gia dự án tăng cường tiếng nói của người dân trong các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhóm dự án của chị đã nhận thấy phụ nữ tại khu vực xã Xuân Nha rất thông minh nhưng chưa có cơ hội phát huy năng lực vì định kiến giới. “Thông thường, nam giới là những người được mời lên để trao đổi hay phát biểu ý kiến, người đứng đầu các hợp tác xã nông nghiệp cũng là nam giới nên phụ nữ có rất ít tiếng nói trong khi họ lại rất độc lập và nhiều ý tưởng sáng tạo”. Đó cũng là lý do chị quyết định xin hỗ trợ từ Quỹ Tài trợ nhỏ Manaaki dành cho cựu sinh viên New Zealand (MNZAF).
New Zealand là một trong những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới khi 8 trường ĐH công lập của nước này được công nhận top 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới (theo QS Ranking). Từ tháng 8-2022, New Zealand đã hoàn toàn mở cửa biên giới và sẵn sàng chào đón du học sinh quốc tế. Năm 2023, Học bổng Chính phủ New Zealand sẽ tái khởi động và mang đến cơ hội học tập tại nền giáo dục hướng đến tương lai. Để biết thêm thông tin, quý độc giả có thể truy cập: https://www.nzscholarships.govt.nz/ |
Dưới sự hỗ trợ tài chính của MNZAF, chị cùng PanNature đã thực hiện chuỗi tập huấn “Phát huy vai trò của phụ nữ bản địa trong sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp thân thiện với môi trường” cho 15 phụ nữ dân tộc Thái và Mông. Trong đó, các chị em phụ nữ tại xã Xuân Nha đã được truyền cảm hứng về kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị nông nghiệp và được cung cấp các công cụ cần thiết để tìm kiếm cơ hội mở rộng các mô hình hiện có và tự thiết lập các mô hình kinh doanh mới.
Nhìn lại hành trình 10 năm gắn bó với NGO, chị Ngân Lê cảm thấy cơ duyên học tập tại New Zealand là bước ngoặt cho sự nghiệp: “Việc nhận tấm bằng danh giá tại New Zealand đã thúc đẩy tôi phát triển sự nghiệp một cách chuyên nghiệp chứ không còn là một “người học việc” để bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cho bà con như trước. Sắp tới, PanNature sẽ thử nghiệm dự án không sử dụng rác thải nhựa trong canh tác và sản xuất nông nghiệp ngay tại xã Xuân Nha”. Chị Ngân Lê tin rằng, từ các mô hình nông nghiệp sạch, người dân có thể được đảm bảo kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường thiên nhiên của đất nước không bị ô nhiễm trong dài hạn.
Trần Thùy Trang
Bình luận (0)