Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh: Nhiều trường đại học bị cắt giảm ngân sách

Tạp Chí Giáo Dục

Cắt giảm trợ cấp, tăng học phí sẽ gây khó khăn cho những ai mong muốn vào đại học. Ảnh: I.T

Chính phủ Anh đang cắt giảm các khoản trợ cấp dành cho giáo dục. Còn các trường đại học (ĐH) danh tiếng thì thực hiện việc tăng học phí, chú trọng giảng dạy một số ngành học nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.
Ngân sách giảm, học phí tăng
Ngân sách từ Chính phủ Anh dành cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, giúp hiện đại hóa và duy trì cơ sở vật chất tại các trường ĐH đang bị cắt giảm. Khoản ngân sách bị cắt giảm mà nhiều trường ĐH đang phải đối mặt lên đến 1.120.000.000 bảng Anh trong năm 2010-2011. Trước đây, SV được nhận khoản trợ cấp 8.800 bảng Anh/ năm thì nay chỉ nhận được 3.200 bảng Anh/ năm. Các trường cao đẳng (CĐ) tại xứ sở sương mù cũng bị cắt giảm ngân sách. Theo khảo sát trong 162 trường CĐ thì có 43 trường bị cắt giảm 25% ngân sách hỗ trợ cho người lớn tuổi.
Theo đó, các trường ĐH thực hiện việc tăng học phí và chú trọng giảng dạy một số ngành học nhằm thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp. Ông Gordon Brow, Thủ tướng Anh cho biết: “Giáo dục ĐH cần chú trọng đến những ngành như CNTT, khoa học kỹ thuật, dịch vụ kinh doanh… vì nhóm ngành này thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp. Còn với SV nước ngoài, vì muốn ra trường với tấm bằng danh giá để có cơ hội việc làm cao, họ sẽ không ngần ngại ghi danh và chi trả đầy đủ các khoản học phí. Thực tế, năm 2004-2005, tại Anh có 203.000 SV nước ngoài, đến năm 2008-2009, con số này là 251.000 SV”.
Các trường ĐH danh tiếng đã thỏa hiệp với nhau về chương trình giảng dạy. Họ đưa ra những tiêu chuẩn quyết định kết quả học tập của SV qua các khóa học, có nghĩa là chú trọng vào các ngành mà Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh. Giá trị của tấm bằng căn cứ vào các chuyên ngành SV theo học. Đây là cách đánh vào tâm lí của người học cũng như nhà tuyển dụng.
Theo Jonh Philpott, Trưởng cố vấn kinh tế Viện nhân sự và phát triển Chartered: “Khả năng tìm được công việc ưng ý của các SV phụ thuộc vào trường ĐH mà họ theo học. Những trường ĐH danh tiếng ở Anh khẳng định rằng SV của họ khi ra trường có thể kiếm được 100.000 bảng Anh/ năm. Chính vì vậy, có đến 50% SV ở độ tuổi 18-30 vẫn đăng kí học tại các trường này”.
SV không phải là “ngân hàng” tài chính
Bộ trưởng Bộ Giáo dục ĐH David Lammy cho rằng: “Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp là một thế mạnh, giúp ổn định việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu cũng như tạo nhiều điều kiện cho SV khi ra trường. Thế nhưng việc cắt giảm này cũng gây khó khăn cho nhiều SV. Năm nay, nhiều SV sẽ không có điều kiện theo học tại các trường mà họ yêu thích. Nhiều SV có thể phải chuyển đi nơi khác”.
Theo bà Sally Hunt, Tổng thư kí Liên hiệp ĐH-CĐ: “Đừng nên lấy kết quả tốt nghiệp làm cơ sở để quyết định các khóa học. Hãy khuyến khích SV theo đuổi những gì họ muốn, họ thích và những gì đang kích thích họ, bởi SV có thể học được nhiều điều cho bản thân từ trong cuộc sống, người thân, những người xung quanh – một phần giáo dục kỹ năng mềm. Việc thu hút SV nước ngoài ghi danh học tập – những người có khả năng về tài chính sẽ bù lại “lỗ hổng” cho ngân sách bị cắt giảm, nhưng chính cách khuyến khích này sẽ phá hoại danh tiếng giáo dục của nước Anh. Các trường ĐH Anh không nên sử dụng SV nước ngoài như nguồn thu để đối phó với khó khăn tài chính trong thời điểm hiện tại”.
Alex Mbaya, SV năm cuối ĐH London tâm sự: “Tôi chỉ có niềm đam mê khoa học nên không nghĩ đến việc làm sau khi ra trường. Chính vì vậy, tôi đang có một khoản nợ lên đến 28.000 bảng Anh. Nhưng với niềm đam mê khoa học, tôi tin mình sẽ thành công. Bây giờ tôi có thể bắt đầu kiếm tiền bằng việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao các công trình nghiên cứu cho những nhà đầu tư.
Ông Claire Baker, phát ngôn viên giáo dục chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng trong giáo dục sẽ mở ra, khi việc học tập không căn cứ vào bằng cấp mà dựa trên các giá trị năng lực. Chúng tôi biết rằng, hiện nay kinh tế đang trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng làm như vậy là sai”.
(Theo Daily mail, BBC)
Ngọc Trinh

Bình luận (0)