Anh Đỗ Quý Hạo (trái) chụp hình cùng ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một triển lãm về các sản phẩm nông nghiệp |
Xuất thân từ anh nông dân “chân lấm tay bùn”, nhưng bằng đức tính cần cù, chịu khó, anh Đỗ Quý Hạo – Giám đốc Công ty Khoai lang Ba Hạo đã lấy bằng cử nhân và nhiều bằng cấp, chứng chỉ khác của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Kinh tế TP.HCM…
Sinh ra và lớn lên tại quê hương của “chị hai năm tấn” nhưng Đỗ Quý Hạo không chọn mảnh đất màu mỡ này làm nơi lập nghiệp mà anh lại đặt niềm tin vào vùng tứ giác Long Xuyên.
Vào Nam lập nghiệp
Sau một chuyến vào Nam thăm chị gái, anh nông dân chân chất tuổi 20 đã quyết định chọn mảnh đất Kiên Giang trù phú để bắt đầu sự nghiệp. Anh Hạo kể: “Việc đưa cả gia đình vào Nam với những người nông dân quanh năm suốt tháng không thoát khỏi lũy tre làng như tôi quả là một quyết định rất khó khăn. Tôi thuyết phục mãi người nhà mới đồng ý nhưng vẫn nơm nớp lo sợ”.
Bỏ xóm, bỏ làng, cả gia đình anh Hạo khăn gói ra đi với vỏn vẹn 3 cây vàng và một quyết tâm lớn “quyết chí ắt làm nên”. Những năm đầu do chưa quen với tập quán canh tác ở vùng đất mới nên gia đình anh liên tiếp rơi vào cảnh mất mùa. “Có lúc kinh tế gia đình khó khăn đến mức vợ con phải đi mót lúa rơi, còn tôi thì đi làm mướn. Thế nhưng, chính những tháng ngày gian khó ấy đã giúp tôi nhận ra rằng: muốn thoát khỏi nghèo phải có kiến thức”, anh Hạo tâm sự.
Trong thời gian đi làm mướn, anh được một ông chủ tốt bụng chỉ dạy tận tình quy trình sản xuất nông nghiệp ở vùng đất mới này. Khi đã nắm bắt được quy trình sản xuất, anh miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu thêm sách báo và dần dần từ học trò, anh trở thành “quân sư” cho ông chủ. Với nhiều sáng kiến như phương pháp thoát nước, phương pháp phòng chống sâu bệnh cho cây dưa hấu…, anh đã giúp ông chủ nâng cao năng suất cây trồng.
Việc chăm chỉ nghiên cứu, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau đã giúp ruộng khoai, ruộng lúa, ruộng dưa của gia đình anh Hạo luôn có năng suất cao hơn các hộ khác. Năm 1986, anh tiến hành mở trang trại để canh tác nhiều loại cây khác nhau. Và càng mở rộng sản xuất, anh lại càng quyết tâm học tập, tìm kiếm kiến thức để ứng dụng vào công việc của mình. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh “hai lúa” bước chân vào thư viện các trường đại học, chăm chú đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác.
Những kiến thức thu thập được thông qua việc đọc sách chưa khiến anh hài lòng, anh mơ một ngày được bước vào giảng đường đại học. Ước mơ thôi thúc, anh bắt đầu học lại những kiến thức phổ thông. Nói là làm, anh mua sách toán học, hóa học, vật lý từ lớp 8 đến lớp 12 về nhà tự học, chỗ nào không hiểu lại mang ra hỏi các con. Bằng cách đó, cuối cùng anh cũng nắm bắt được tất cả những kiến thức phổ thông cơ bản.
Làm sinh viên ở cái tuổi 40
Sau khi nắm vững các kiến thức phổ thông, năm 2000, anh Hạo mang bộ hồ sơ cùng mấy giấy chứng nhận nông dân sản xuất giỏi đến Trường ĐH Nông lâm TP.HCM xin vào học. Thấy bộ dạng lếch tha lếch thếch hết sức “buồn cười” của anh nông dân đi xin học, các cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM “thương tình” gửi hồ sơ của anh đến ban giám hiệu nhà trường với lời nhắn: “Từ hồi nào đến giờ trường chưa nhận ai vào học bằng cách này cả, nhưng tôi sẽ trình giúp chú gửi hồ sơ lên ban giám hiệu”.
Tin vào câu nói của cán bộ đó, anh quyết định “ăn bờ ngủ bụi” khắp các quán nước xung quanh trường để chờ kết quả. Và ông trời đã không phụ tấm lòng của người ham học, anh được nhận vào học lớp dự thính của trường và trở thành sinh viên (SV) ở tuổi 40.
Các bạn SV trẻ ngạc nhiên khi thấy trong lớp mình xuất hiện một “chú nông dân” bèn hỏi: “Chú lớn tuổi rồi, sao không ở nhà nghỉ ngơi, đi học làm gì cho cực vậy?”. Trước câu hỏi đó, anh điềm tĩnh nói: “Chú học để nâng cao năng suất cây trồng chứ không phải học để làm kỹ sư”. Cả lớp vô cùng bất ngờ khi đến cuối năm học, anh đã hoàn thành nhiều môn học khó như: bệnh cây chuyên khoa, sinh học vi sinh vật, sinh lý học thực vật… với điểm số rất cao.
Sau khi học xong chương trình dự thính tại Trường ĐH Nông lâm, anh tiếp tục đăng ký học tại các trường ĐH khác như ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế TP.HCM.
Trở thành tỷ phú… khoai lang
Khi có được những kiến thức chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp, cộng với một chút vốn tích lũy được trong quá trình sản xuất nông nghiệp, năm 2007, anh Hạo thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ba Hạo với sản phẩm chính cung cấp ra thị trường là khoai lang. Đến thời điểm này, anh lại càng say sưa với việc học hơn, không chỉ học về sản xuất nông nghiệp, anh còn nghiên cứu về kinh tế.
Biết bọ hào (sùng) là loại sâu bệnh nguy hiểm nhất với cây khoai lang, anh luôn trăn trở, nghiên cứu tìm phương cách bảo vệ những ruộng khoai của mình. Lập một ruộng khoai làm thí nghiệm, tham khảo ý kiến và nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp như GS – TS Nguyễn Công Hào, GS – TS Võ Tòng Xuân… cũng như tự mày mò, cuối cùng anh đã tìm ra cách kết hợp giữa biện pháp sinh học và thủ công để diệt bọ hào hiệu quả. Tỉ lệ cây khoai bị nhiễm bọ hào trong trang trại anh đã giảm từ 90% xuống còn 10%.
Để nâng cao tri thức, anh tích cực tham gia các khóa đào tạo về kinh tế, quản trị, kinh doanh. Ông chủ Doanh nghiệp Ba Hạo cho biết: “Những kiến thức từ các trường ĐH đã giúp tôi đứng vững trong kinh doanh. Chúng không chỉ giúp tôi tạo ra các sản phẩm nông sản đặc trưng, khác biệt, đem về lợi nhuận cao; mà còn giúp tôi hoạch định các chiến lược, kế hoạch kinh doanh”. Hiện nay, anh đã có một trang trại rộng hơn 100 ha trồng khoai lang với sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm. Sản phẩm khoai lang Ba Hạo không chỉ được bán trên phạm vi cả nước mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Singapore, Nhật Bản…
Trước đây, khoai lang của Doanh nghiệp Ba Hạo chỉ được bán trực tiếp trong nước, hoặc bán qua các doanh nghiệp thương mại khác. Đến khi tham gia một hội thảo về nông nghiệp tại TP.HCM, ngồi cạnh một thương nhân người Singapore, anh hỏi thương nhân này “làm sao bán được khoai lang ra nước ngoài” và nhận được câu trả lời: “Anh hãy rao bán trên internet”. Tìm được lời giải cho những trăn trở, suy tư bấy lâu, anh quyết định đầu tư vài triệu đồng – số tiền không nhỏ trong những năm 1999 – 2000 để mua một chiếc máy tính. Ai cũng bảo anh “khùng”, nhưng anh bỏ ngoài tai. Thậm chí, anh còn mời cả giáo viên ở tận Rạch Giá về dạy vi tính cho mình cùng các con. Cùng sự giúp đỡ của các cán bộ Trường ĐH An Giang, năm 2007, anh cho ra đời website www.khoailangba-hao.com.vn. Đây không chỉ là website giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến của Doanh nghiệp Ba Hạo, mà còn là nơi để anh chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất với bà con nông dân gần xa.
Hiện nay, dù là ông chủ một doanh nghiệp có tiếng, nhưng anh vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Khi thì ra ruộng tìm hiểu về cấu trúc từng giống khoai hay các loại sâu bệnh, lúc lại cặm cụi bên chiếc kính hiển vi, trong phòng thí nghiệm do anh tự xây dựng được đặt tại trang trại của Doanh nghiệp Ba Hạo ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Thoắt cái, người ta lại thấy anh bận rộn với các khóa học dành cho các giám đốc ở TP.HCM.
HUYỀN-BÌNH
Suốt một chặng đường học tập, sáng tạo không ngừng, ông chủ Doanh nghiệp Ba Hạo đã “lượm lặt” được cho mình nhiều kiến thức về nông nghiệp và kinh tế hết sức quý giá. Những tri thức ấy đã giúp anh thoát nghèo và trở thành tỷ phú… khoai lang, một “tiến sĩ nông dân”… Ngoài ra, anh còn nhận nhiều giải thưởng khác như: Nông dân sáng tạo tỉnh Kiên Giang, Điển hình sáng tạo Việt Nam năm 2008; Sao Thần nông năm 2009… |
Bình luận (0)