3g sáng, một nhóm chiến sĩ trẻ trên tàu HQ-561 lục tục thức dậy, xuống kho lạnh lấy rau quả, thịt cá chuẩn bị nấu ăn trong khi mọi người trên tàu vẫn còn yên giấc ngủ.
Binh nhất Trần Văn Tuấn (bìa trái) và binh nhì Quản Đức Tuấn sơ chế thức ăn trên tàu HQ-561 – Ảnh: N.Hiển |
Họ là anh nuôi của tàu với công việc là nấu đều đặn ngày ba bữa cơm cho hơn 200 chiến sĩ trên con tàu bệnh viện đang có chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa.
Thử thách
Những ngày cuối năm biển động, việc nấu ăn trên tàu hết sức khó khăn nên với những anh nuôi lần đầu theo tàu quả thật là một thử thách không hề nhỏ.
Ngồi sau đuôi tàu cắt thịt heo khi chiếc thớt gỗ trượt qua trượt lại trên sàn tàu, binh nhì Quản Đức Tuấn (25 tuổi) nói: “Nấu ăn mà như làm xiếc, không cẩn thận là kiểu gì cũng bị sóng xô, cắt trượt thớ thịt đứt tay liền”.
Tuấn quê ở Hà Nội, tốt nghiệp ngành hệ thống điện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cầm tấm bằng đại học, Tuấn đi làm nhân viên tư vấn điện cho một công ty tư nhân được vài tháng thì nhận được giấy báo nhập ngũ và bắt đầu đi lính từ tháng 3-2015 đến nay.
Ở quê, rất ít khi Tuấn vào bếp nấu ăn bởi nhà đông anh em, lại có các chị gái nên khi nhập ngũ, vào rèn luyện ở lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân) và được phân công làm đầu bếp khiến chàng trai này hết sức bỡ ngỡ.
“Khi đó tôi phải học tất tần tật, từ nấu sao cho cơm không bị khô, bị khê, nêm canh sao cho vừa đủ, chiên xào nồi hơi sao cho an toàn, không bị tạt hơi bỏng mặt” – Tuấn nói.
Bây giờ, khi đã nấu ăn rành rọt thì đơn vị lại phân công Tuấn đi làm đầu bếp trên tàu bệnh viện. Hai ngày đầu trên tàu, dù say sóng nhưng Tuấn vẫn phải thức dậy sớm để cùng đồng đội nhặt rau, cắt gọt củ quả để nấu ăn cho các chiến sĩ trên tàu.
Tuấn cho biết nấu ăn trên biển dù chỉ nấu những món đơn giản nhưng gian nan gấp bội lần nấu ăn trên đất liền. Khi sóng lớn, thuyền chao đảo thì các anh nuôi phải một tay vịn vào thành tàu còn một tay giữ nồi niêu không bị sóng hất văng xuống sàn tàu.
“Cảm giác tròng trành rất lạ nhưng quan trọng là dù sóng to đến mấy chúng tôi vẫn đảm bảo có đồ ăn đúng giờ cho mọi người” – Tuấn cười.
Trẻ và chịu sóng gió
Cũng là lần đầu tiên làm đầu bếp trên tàu biển nhưng binh nhì Phạm Văn Thấn (21 tuổi, quê Hải Dương) không say sóng bởi Thấn đã có gần một năm làm nhân viên báo vụ trên đảo Trường Sa Đông.
Thấn cho biết do khỏe sóng nên Thấn xin phép đơn vị đi phục vụ nấu ăn trên tàu. Công việc của Thấn chủ yếu là sơ chế nguyên liệu nhưng Thấn vẫn có thể nấu được tất cả các món ăn.
“Hồi chưa đi lính tôi còn không biết nấu nồi cơm như thế nào, nhưng giờ tôi có thể bao tất tần tật từ làm gà, làm cá đến nấu cơm, nấu canh ngon lành” – Thấn khoe.
Đầu tháng 2 tới Thấn xuất ngũ nên chuyến đi biển này hết sức đặc biệt bởi Thấn sẽ trở lại đảo Trường Sa Đông để chào tạm biệt đồng đội trên đảo. Thấn dự định sau khi xuất ngũ sẽ xin đi học tiếp nghề nấu ăn để kiếm sống bằng nghề mà mình có đam mê.
“Khi về nhà, tôi sẽ đi chợ, tự tay nấu cho mẹ một bữa cơm thật ngon để mẹ biết tôi đã trưởng thành trong quân ngũ như thế nào” – Thấn chia sẻ.
Còn với binh nhất Trần Văn Tuấn (20 tuổi, quê Ninh Bình), lần đầu làm anh nuôi trên tàu biển tuy vất vả nhưng khi mọi người khen thức ăn chế biến ngon là niềm động viên để Tuấn quên đi sóng gió.
“Nấu ăn trên biển khó khăn nên có người nấu xuề xòa cho qua bữa nhưng với tôi nấu ăn là phải có tâm, nấu sao cho phù hợp khẩu vị của phần lớn chiến sĩ trên tàu. Cũng nhờ làm anh nuôi tôi mới nhận ra gần 20 năm qua mẹ tôi đã vất vả như thế nào khi chăm lo từng bữa cơm cho tôi” – Tuấn nói.
Thượng úy Đỗ Ngọc Hải – tổ trưởng tổ phục vụ tàu HQ-561 – cho biết phần lớn các anh nuôi trên tàu đều rất trẻ nhưng từng có thời gian công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đều là những người chịu được sóng gió tốt.
“Do đây là tàu bệnh viện nên ngoài việc nấu ăn ngon, các anh nuôi này phải là một người đa năng, vừa nấu các món ăn cho chiến sĩ lại phải biết nấu những món đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh khi có bệnh nhân. Những bữa ăn ngon sẽ khích lệ tinh thần các chiến sĩ trong những chuyến công tác dài ngày trên biển nên vai trò của các anh nuôi hết sức quan trọng” – thượng úy Hải nói.
Những anh “Cỏ Cú” ở Trường Sa
Ở Trường Sa có những tổ tư vấn tâm lý để cán bộ, chiến sĩ chia sẻ những vui buồn, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Những người làm công việc thầm lặng này được ví như những anh “Cỏ Cú” của các chiến sĩ trên đảo. Đầu tháng 1-2016, đại úy Đặng Quốc Hiếu – nguyên chính trị viên đảo Đá Lớn A, Trường Sa – trở về đất liền sau một năm công tác ở đảo. Trước ngày về, anh Hiếu bàn giao lại cuốn sổ “tư vấn tâm lý” cho chính trị viên mới của đảo, đại úy Hoàng Văn Sinh. Lật giở những trang được ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ này, anh Hiếu kể về những trường hợp anh nhớ mãi. Đó là chuyện một anh cùng đơn vị có tính hay ghen. Công tác ngoài đảo, anh này kiểm soát vợ ở quê nhà từng li từng tí. Mỗi lần gọi điện về nhà mà vợ chưa nghe máy là anh bồn chồn, bứt rứt không yên, thậm chí là giận dữ. Thấy thế, tổ tư vấn tâm lý của đảo Đá Lớn A gồm anh Hiếu và một bác sĩ của đảo nhẹ nhàng lựa lời phân tích theo hướng vợ chồng tin tưởng nhau là chính chứ không thể “quản” nhau như thế được. “Chồng đi xa nhà quanh năm vợ đã cực lắm rồi. Vợ đi làm về một mình lo cho con cái, mình ghen tuông như thế càng làm vợ mệt mỏi thêm. Ghen tuông mù quáng chỉ đẩy nhau ra xa hơn mà thôi” – anh Hiếu kể lại việc tác động như thế cho đến khi vợ chồng người đồng đội “cơm lành canh ngọt” trở lại. Cũng có trường hợp mà đại úy Hiếu kể khá “nan giải” khi đơn vị có trường hợp vợ chồng lục đục, suýt bỏ nhau. Vô tình, anh Hiếu đọc được lá thư của một cô bé trên báo. Trong thư, cô bé kể cha mẹ mình đã ly hôn sáu năm. Đám cưới của người con trai cả, bố chỉ cho mẹ dự với tư cách… khách mời. Rồi những lúc đi chơi có bố thì không có mẹ làm cô bé thấy buồn và bị tổn thương. Từ câu chuyện ấy, lúc ăn cơm cùng nhau, đại úy Hiếu mang câu chuyện ra kể và nói “bóng gió”. “Anh ấy chỉ ngồi nghe, không bàn luận nhưng mình hiểu anh cũng suy nghĩ và tự rút ra những điều cần làm cho gia đình, con cái anh ấy” – đại úy Hiếu nhớ lại. Trong khi đó, với những chiến sĩ trẻ làm nhiệm vụ ở đảo xa, điều băn khoăn nhiều nhất là việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Khi ấy, tổ tư vấn tâm lý sẽ tìm hiểu hoàn cảnh, sở trường, nguyện vọng của từng bạn để cùng các bạn lựa chọn hướng đi phù hợp. Thông thường, những chiến sĩ có chuyện gì cũng ngại nói với chính trị viên, chỉ huy trưởng của đảo. Do đó, để nắm bắt tâm tư tình cảm của chiến sĩ, các thành viên tổ tư vấn trò chuyện qua những lúc chơi thể thao, ăn cơm hay cắt tóc cho chiến sĩ. Hiện các đảo Đá Lớn A, Đá Lớn B và Đá Lớn C thuộc quần đảo Trường Sa đều đã thành lập tổ tư vấn tâm lý. Thành phần của tổ này thường là chính trị viên cùng những người lớn tuổi, có uy tín ở đảo. “Tùy từng đối tượng, mình dùng cách tiếp cận khác nhau. Người thì trực tiếp, người thì bóng gió xa gần… Mục đích cuối cùng là để anh em ổn định tâm lý và yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – anh Hiếu nói thêm. |
NGỌC HIỂN – YẾN TRINH (TTO)
Bình luận (0)