Hội nhậpThế giới 24h

Anh, Pháp, Đức đề xuất thỏa thuận phòng thủ giữa NATO và Ukraine

Tạp Chí Giáo Dục

Anh, Pháp và Đức cho rằng sáng kiến này có thể trở thành động lực để Ukraine tiến hành hòa đàm với Nga trong năm nay, giữa lúc giới chính trị gia ở ba quốc gia châu Âu ngày càng không tin Kyiv có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuần trước đã vạch ra kế hoạch chi tiết về một thỏa thuận cho phép Ukraine tiếp cận đa dạng hơn các loại thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược tiên tiến để tự vệ sau khi chiến sự kết thúc. Ông cho biết kế hoạch này cần được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thường niên của NATO vào tháng 7 tới, theo báo The Wall Street Journal.

Các quan chức Pháp, Đức và Anh nói với WSJ rằng Paris và Berlin cũng ủng hộ sáng kiến này và cả ba chính phủ đều coi đây là cách để tăng cường lòng tin của Kyiv cũng như tạo động lực cho chính phủ Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga. Các quan chức nói mọi quyết định về thời gian và điều kiện để bắt đầu đàm phán hòa bình hoàn toàn phụ thuộc vào Ukraine.

Song đằng sau những lời hoa mỹ công khai này là những nghi ngờ ngày càng sâu sắc trong giới chính trị gia ở Anh, Pháp và Đức rằng Ukraine khó có thể đẩy Nga ra khỏi miền đông Ukraine cũng như bán đảo Crimea, nơi Nga đã kiểm soát từ năm 2014. Một số người cũng tin rằng phương Tây không thể giúp Ukraine duy trì nỗ lực chiến đấu về lâu về dài, đặc biệt là nếu xung đột đi vào bế tắc, theo các quan chức từ ba quốc gia.

"Chúng ta cứ nói đi nói lại rằng Nga không được thắng, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nếu chiến sự tiếp diễn đủ lâu với cường độ như thế này, tổn thất của Ukraine sẽ trở thành chuyện không thể chịu nổi. Và không ai tin rằng họ sẽ có thể lấy lại Crimea", một quan chức cấp cao của Pháp nói với WSJ.

Những cuộc thảo luận như vậy hoàn toàn trái ngược với những bình luận công khai trong tuần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác khi họ kêu gọi đoàn kết để giúp Ukraine chống lại Nga. Không ai đề cập đến khả năng Kyiv sẽ đàm phán với Moscow trong tương lai gần.

Các bên liên quan chưa lập tức phản hồi hay bình luận về tường thuật của WSJ.

Pháp, Đức muốn Ukraine hòa đàm

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz của Đức đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông cần bắt đầu xem xét việc đàm phán hòa bình với Moscow, khi ba nhà lãnh đạo gặp nhau ở Paris vào đầu tháng này, theo những người biết về cuộc trò chuyện này.

Anh, Pháp, Đức đề xuất thỏa thuận phòng thủ giữa NATO và Ukraine - Ảnh 2.

(Từ trái qua) Ông Scholz, ông Zelensky và ông Macron tại Paris hôm 8.2. REUTERS

Trong tiệc tối tại Điện Élysée, dinh thự của tổng thống Pháp, ông Macron nói với ông Zelensky rằng ngay cả những kẻ thù không đội trời chung như Pháp và Đức cũng phải làm hòa sau Thế chiến 2. Ông Macron nói ông Zelensky là nhà lãnh đạo thời chiến vĩ đại, nhưng cuối cùng tổng thống Ukraine phải chuyển sang vai trò chính khách và đưa ra những quyết định khó khăn.

Phát biểu sau hội nghị an ninh ở Munich (Đức) vào cuối tuần trước, ông Macron trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây đầu tiên công khai đặt câu hỏi liệu Ukraine hay Nga có thể đạt được mục tiêu chiến trường của họ hay không. Ông nói không bên nào có thể chiếm ưu thế về mặt quân sự.

"Điều chúng tôi cần bây giờ là Ukraine tiến hành một cuộc tấn công quân sự đẩy lùi Nga ở mặt trận để mở đường cho việc quay trở lại đàm phán", ông nói với truyền thông Pháp.

Theo WSJ, một quan chức Anh cho biết một mục tiêu khác của thỏa thuận tương lai giữa Ukraine và NATO sẽ là thay đổi tính toán của Điện Kremlin. Nếu Moscow thấy rằng phương Tây sẵn sàng mở rộng quy mô hỗ trợ quân sự và cam kết sát cánh với Ukraine theo thời gian, điều đó có thể khiến Moscow tin là họ không thể đạt được các mục tiêu quân sự của mình.

Pháp và Đức đã báo hiệu rằng họ sẽ không cung cấp các loại vũ khí mới cho Ukraine dù giao tranh vẫn tiếp diễn trong những tuần tới. Và trong khi Anh đang đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu, các quan chức cho biết đây là một phần của mục tiêu dài hạn là ngăn chặn Nga tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.

Triển vọng đi đến thỏa thuận

Về lý thuyết, bất kỳ thành viên nào của NATO cũng đều có thể phủ quyết đề xuất từ Anh, Pháp và Đức, nhưng tổ chức này hoạt động dựa trên sự đồng thuận và một sáng kiến như vậy thậm chí sẽ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nếu không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong liên minh.

Anh, Pháp, Đức đề xuất thỏa thuận phòng thủ giữa NATO và Ukraine - Ảnh 3.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tham dự một sự kiện tại Tallinn, Estonia, hôm 24.2. REUTERS

Các quan chức của ba nước cho biết thỏa thuận sẽ không bao gồm bất kỳ cam kết nào về việc đưa lực lượng NATO đến đồn trú ở Ukraine, cũng không cung cấp cho Kyiv cái gọi là phòng vệ tập thể theo Điều 5 Hiến chương NATO. Song họ nói rằng thỏa thuận sẽ cung cấp cho Ukraine các phương tiện quân sự để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai.

Mặc dù nội dung chính xác của điều khoản chưa được xác định, một số quan chức cho biết Ukraine có thể tiếp cận một loạt hệ thống vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO và tích hợp lực lượng vũ trang của mình vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng phương Tây chặt chẽ hơn. Đức đã cho thấy họ sẵn sàng cung cấp những khoản viện trợ cụ thể trên cơ sở lâu dài, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không, pháo hạng nặng, xe tăng và đạn dược. Anh đã nói về việc cung cấp máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, từng thành viên NATO cũng sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự song phương cho Ukraine.

“Hội nghị thượng đỉnh NATO phải đưa ra một đề nghị rõ ràng cho Ukraine, đồng thời mang lại cho ông Zelensky một chiến thắng chính trị mà ông ấy có thể tuyên bố là động lực cho các cuộc đàm phán tại quê nhà", quan chức Anh nói với WSJ.

Trong khi London, Paris và Berlin nhìn thấy khả năng Kyiv có thể sẽ phải đàm phán với Nga sau cuộc phản công dự kiến diễn ra vào mùa xuân này và có thể giúp Ukraine giành lại nhiều lãnh thổ hơn, thì những bên ủng hộ Ukraine khác cho rằng không nên đàm phán chừng nào quân đội Nga vẫn còn trên đất Ukraine.

Hầu hết các chính phủ ở Trung và Đông Âu lo ngại việc khuyến khích Ukraine đàm phán trước khi Moscow hoặc Kyiv sẵn sàng có thể gửi tín hiệu đến Nga rằng sự ủng hộ của phương Tây đang giảm dần. Các chính phủ này tin rằng Điện Kremlin vẫn theo đuổi mục tiêu chiến sự ban đầu của họ là chiếm thủ đô của Ukraine và lật đổ chính phủ nước này.

Cùng lúc, các thành viên phía đông của NATO không muốn mình bị xem là trở ngại cho các cuộc đàm phán hòa bình. Ba Lan, Cộng hòa Czech và các quốc gia vùng Baltic đã ủng hộ kế hoạch chấm dứt xung đột của ông Zelensky, đề xuất 10 điểm bao gồm bồi thường tài chính, xét xử tội phạm chiến tranh và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)