Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Anh quốc: Dạy thiền để giảm stress cho HS

Tạp Chí Giáo Dục

Các học sinh đang ngồi thiền. Ảnh: I.T

Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh khiến con người không thể làm chủ tư duy, tình cảm và hành vi của mình. Biểu hiện của stress rất đa dạng: trầm cảm (không muốn giao tiếp với người khác, cảm thấy bi quan, chán nản…), rối loạn trí nhớ, lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn, lo lắng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến stress: mắc phải một cú sốc tình cảm, lo lắng thái quá, cảm thấy mất lòng tin (vì tình, vì tiền..). Đối với HS, stress dễ xảy ra khi học tập quá căng thẳng, lo lắng trước mùa thi, tình cảm bị tổn thương… Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và sức khỏe của các em. Do đó, gia đình và nhà trường có trách nhiệm giúp các em hiểu biết về stress nhằm tránh những nguyên nhân gây ra căn bệnh này (bài vở nhiều quá, thi cử dồn dập, bất mãn vì cách đối xử của thầy, của bạn, tình cảm bị tổn thương).
Từ giữa tháng 1-2010, Trường Tonbridge (ở Kent) đã tổ chức giờ học tự nguyện chống stress dựa theo chương trình do các nhà tâm lý ở Đại học Oxford và Cambridge soạn ra.
Đề án này lần đầu tiên được thực hiện chính thức có bài bản trong chương trình chính khóa của nhà trường, sau một năm thực nghiệm đạt hiệu quả cao. Chương trình này dành cho HS thuộc khối lớp đệ nhị (lớp 10, 11 ở Việt Nam) nhằm giúp các em tăng cường khả năng tập trung và dẹp bỏ sự lo lắng. Những kiến thức trong chương trình giới thiệu về lợi ích của sự tĩnh lặng, khuyên các em HS nên biết tự làm chủ cảm xúc của bản thân, khắc phục tâm lý tiêu cực dẫn đến thất vọng, mất ăn mất ngủ… Giáo viên cung cấp nhiều bài tập giúp HS phát triển khả năng tập trung sự chú ý thay vì bị phân tâm hay phải chịu tác động tiêu cực từ những đổ vỡ tình cảm trong quá khứ. Các em chủ yếu được hướng dẫn phương pháp tập trung tinh thần vào động tác thở hay cử động của những bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Môn thiền mà Trường Tonbridge đưa vào giảng dạy cho HS dựa trên cơ sở y học, tâm lý học hiện đại. Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này sẽ ngày càng được áp dụng phổ biến trong các ngành sư phạm, thể thao… nhằm giúp người học chống lại stress và những hội chứng tâm lý khác.
Ông Richard Burnett, giáo sư về giáo dục tôn giáo cho biết: “Ở trường, thầy giáo không cần bắt HS im lặng. Hãy để các em hiểu rằng tĩnh lặng là một hành động tích cực cần phải tận hưởng”. Lúc đầu nhiều HS có vẻ nghi ngờ vì chưa hiểu rõ mục đích cũng như lợi ích của thiền, nhưng dần dần các em đã nhận thức được giá trị của sự tĩnh lặng, từ đó biết giữ tĩnh lặng để chống lại stress, và cân bằng tâm lý. Nhiều em HS sau khi được học chương trình này chia sẻ: “Giờ đây em ngủ ngon hơn, không còn cảm thấy căng thẳng khi chuẩn bị kiểm tra, thi cử hay chơi thể thao như trước đây nữa”.
Phương pháp chống stress không mang màu sắc tôn giáo, có cơ sở khoa học, giúp nâng cao thể chất và trí lực cho HS như chương trình dạy thiền này cần được ứng dụng rộng rãi trong môi trường giáo dục. Học thiền giúp người ta dễ dàng đón nhận những bất ổn về tâm lý (dễ xúc động, thất vọng, lo lắng…) của tuổi mới lớn. Bài học đầu tiên trong chương trình có tên “Dạy chó con”: Người ta so sánh trạng thái của chó con khi phải duy trì trạng thái “không được động đậy”, tập trung vào một chủ đích thay vì chạy lung tung khắp nơi… Sau đó, các em HS sẽ được hướng dẫn cách để đạt đến trạng thái tĩnh lặng và tập trung nhằm xác định lại xem những suy nghĩ, hành động nào vừa xảy ra trong quá khứ là tiêu cực, là thực tế. Nói tóm lại, các em sẽ học cách “ngồi tĩnh lặng để tự mình phân tích bản thân trong quá khứ, xác định thái độ hành động đúng trong tương lai”. Tất cả phải được tiến hành trong tinh thần tự giác, tự chủ, hoàn toàn thư giãn. Các thầy dạy môn thiền chống stress ở Trường Tonbridge thường nhắc đến Jonny Wilkinson, vận động viên bóng chày, đã dùng phương pháp thiền để tập trung tư tưởng trước khi đấu.
Theo quy định của Trường Tonbridge, mỗi tuần các em HS phải học thiền trong 45 phút (1 tiết), sau đó tự tập luyện ở nhà. Việc dạy thiền trong môi trường giáo dục chắc chắn sẽ giúp HS có được sự cân bằng tâm lý, biết làm chủ bản thân để kết quả học tập ngày càng tiến bộ hơn.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)