Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Ánh sáng hạnh phúc” tỏa ra từ bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Tết Nguyên đán, xóm ngụ cư ở cầu Tám Nó, Q.8, TP.HCM đã bừng sáng bởi những ngọn đèn ve chai xua bớt màn đêm nghèo đói từ nhiều năm nay. Đó là thành quả miệt mài từ dự án dạy học sáng tạo của thầy trò Trường THPT Tenlơman, Q.1, TP.HCM mà thầy Phạm Thư Tùng và thầy Mai Xuân Long là 2 “thủ lĩnh” chính.

Thầy Phạm Thư Tùng đang hướng dẫn nhóm dự án lắp bóng đèn

Hạnh phúc đã được khởi nguồn từ việc ứng dụng bài học từ trên bục giảng vào thực tiễn cuộc sống mở ra con đường sáng tạo và hành trình say mê nghiên cứu khoa học của từng HS.

Sân chơi của óc sáng tạo

Ngày 25-2 tại phòng thực hành vật lý của Trường THPT Tenlơman náo nức không khí học tập của nhóm HS khối 11. Đó là tiết thực hành về quy trình chế tạo những bóng đèn ve chai sử dụng năng lượng mặt trời do thầy Phạm Thư Tùng hướng dẫn để cho các nhóm HS đến từ các trường bạn học hỏi và giao lưu. Trên mỗi dãy bàn có 6 nhóm thực hành bày la liệt các dụng cụ thí nghiệm vừa chính quy lại vừa không chính quy. Nếu “đồ nghề chính hiệu” là máy đo điện, bình ắc quy, ampe kế thì “đồ nghề” không chính quy là những miếng tôn cắt nhỏ, các chai nhựa, ống hút, nắp bình nhựa… “xuất thân” từ đống ve chai. Thế nhưng, đối với HS thì đây là những thứ quý giá được các em nâng niu gom nhặt để kiến tạo nên sản phẩm “cây nhà lá vườn” ngay trong phòng thực hành. Từng bài học hôm qua nằm trong trang sách nay đã đi ra khỏi bục giảng biến thành dự án “Ánh sáng hạnh phúc” để đến phục vụ người nghèo ở nơi mà trước đây thầy trò từng tham gia hoạt động tình nguyện.

Thầy Phạm Thư Tùng – “người cầm chịch” dự án – trao đổi: “Để thực hiện công trình 45 HS được chia làm 2 nhóm chính gồm nhóm Phối kỹ thuật và Phối quản lý – lan tỏa. Ba “nhánh cây” nhỏ của Phối kỹ thuật là nhóm thực hiện mô hình, nhóm điện tử, nhóm thi công. Ba “nhánh cây” còn lại của Phối quản lý – lan tỏa là nhóm thiết kế đồ họa, nhóm dựng clip và nhóm quản lý”.

Dự án đầy tính nhân văn

Theo thầy Tùng, ngoài lực lượng chính là HS khối 11 còn có các em HS khối 10 tham gia phụ việc và hỗ trợ. “Đây cũng là cách tạo nên lực lượng dự bị cho những công trình tiếp theo ở những năm sau”. Điều mà thầy Tùng và thầy Long trân trọng nhất là những “cái mới” được nảy sinh từ óc thông minh của từng thành viên khi thực hiện: “Khi làm các em đã biết tận dụng các vật liệu rẻ tiền hay bỏ đi từ phế liệu như tận dụng các ống nhựa, ống nghiệm thủy tinh. Các thanh dài của đèn led được cắt ngắn và ghép lại thành bộ led cho phù hợp”. Cũng theo thầy Tùng, dưới bàn tay sáng chế học trò, các mạch điện được ra đời để có được những bóng đèn “chuẩn” hơn.

Một cây làm chẳng nên non, thành công của sản phẩm không chỉ một bộ môn, một người mà còn có sự tiếp tay của môn toán về khâu hỗ trợ tính toán. Theo thầy Mai Xuân Long, nếu tính toán sai thì sẽ ảnh hưởng đến việc thiết kế đó là chưa nói đến tuổi thọ bình ắc quy sẽ giảm do thắp sáng suốt đêm. Khi ắc quy bị liệt thì dù bóng đèn “xịn” cũng không “lên” ánh sáng. Bận đứng lớp lại vừa phải “đa mang” dự án nên thời gian biểu đối với thầy Tùng gần như sát nút. Chính nhờ BGH nhà trường ngoài sắp xếp lịch dạy, bố trí phòng ốc còn hỗ trợ kinh phí, tổ chức báo cáo, tham gia các khóa tập huấn từ Sở GD-ĐT.

Thầy Nguyễn Văn Thành – Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman trao đổi: “Phương pháp dạy học dự án “Ánh sáng hạnh phúc” mà nhà trường đạt giải nhất trong Hội thi GV sáng tạo trên nền tảng CNTT phù hợp với định hướng nhà trường trong việc giáo dục HS một cách toàn diện gắn thực tiễn cuộc sống mang tính cộng đồng, chia sẻ. Sáng tạo của dự án đã gắn liền với lợi ích của xã hội thông qua môi trường thuận lợi để tạo động lực kích thích giới trẻ phát huy sáng tạo. Đây cũng là tiền đề để sắp tới nhà trường tổ chức nhiều hoạt động không ngừng phát huy tính sáng tạo nhạy bén của HS để lúc trưởng thành các em dễ dàng hội nhập với thực tế nhờ được trang bị nhiều kỹ năng sống ngay từ khi đi học”. 

Cái được lớn nhất của nhóm là bài học lý thuyết càng sáng tỏ khi gắn với thực hành và biết ứng dụng vào cuộc sống. Dù học bài kỹ, hiểu sâu lý thuyết nhưng nếu không được thực hành thì mọi kiến thức vẫn nằm lặng im trên giấy vì không được đánh thức. Phục vụ người nghèo, dự án trở thành sứ giả thân thiện đầy tính nhân văn khi giúp đỡ cho những cảnh đời nghèo khó. Giành được giải cao nhất trong cuộc thi sáng tạo của GV do ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức, con đường đến với “vòng nguyệt quế” của thầy và trò phải trải qua những đêm suy tư lo nghĩ, từng khó khăn không thể lường trước nhưng cuối cùng “quả ngọt” đã được đong đầy.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)